Giới thiệu về blog

Đây là blog của gia đình Văn Tác và Mai Trâm, được thiết lập nhằm mục đích lưu lại những kỷ niệm đẹp trong đời sống của gia đình bé nhỏ Văn-Mai. Ngoài những hình ảnh và video, blog còn chứa đựng của hồi môn dành riêng cho 3 cô công chúa nhỏ: Mẫn Châu - Hải Ngân và Ái Thi. Của hồi môn này là tập hợp những bài viết hay, có tính nhân văn cao mà Văn Tác đã sưu tầm trong suốt cuộc đời của mình.....

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Con thuyền và bóng đèn - Bài văn xuất sắc của Vũ Mẫn Châu

 

Giật mình khi đọc bài văn của con gái Vũ Mẫn Châu hs lớp 11 trường THPT Lê Quý Đôn. Một góc nhìn rất tinh tế về hình ảnh "Cái bóng đèn và thuyền giấy" . Xin mọi người cho ý kiến? Và hãy SHARE nếu thấy hay!

 

Đề bài: Viết một bài văn nghị luận trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề được gợi ý trong bức ảnh trên.

BÀI VIẾT

Cuộc đời của mỗi người là một chiếc thuyền trôi giữa dòng chảy của vũ trụ. Sóng gió luôn cuồn cuộn mà chẳng bao giờ êm xuôi. Thuyền có đứng vững, tiếp tục tiến về phía trước được hay không phụ thuộc vào sức nặng của nội lực, trí tuệ và tâm hồn của con người có thực sự cân bằng hay không. Hình ảnh chiếc thuyền giấy mang theo bóng đèn nặng dưới mặt nước là tượng trưng cho ý nghĩa ấy- một bài học cuộc sống mà mỗi người cần nhìn nhận.

Chiếc thuyền giấy- biểu trưng cho kiếp sống mong manh với triết lý: thân xác con người và đời sống vật chất sẽ lụi tàn mà không bất tử. Danh lợi, vị thế, tiền tài, quyền lực,…đó là những điều mà con người sẽ phô diễn ngắn ngủi trước cuộc đời. Bóng đèn sáng buộc chặt phía dưới chiếc thuyền chính là những giá trị bền vững mà con người nuôi dưỡng, tìm kiếm và cho đi vì người khác từ đáy sâu của tâm hồn hướng thiện. Đó là thiện căn, lòng trắc ẩn, những khát vọng cao cả, những hoài bão chân chính, một trái tim đầy tình yêu thương, một khối óc khôn ngoan, sáng tạo, một bản ngã độc lập và là một lẽ sống biết cống hiến. Bóng đèn lớn hơn chiếc thuyền vì cốt lõi của mọi điều đẹp đẽ, bất tử đều vì hai chữ “nhân sinh” và nó quan trọng hơn bất kì thứ gì là tạm bợ. Bóng đèn và chiếc thuyền buộc chặt với nhau. Chiếc thuyền sẽ ngả nghiêng, không chống chọi nổi với gió nếu chẳng có bóng đèn làm cân bằng. Cũng như vậy, bóng đèn sẽ mãi chìm xuống đáy sâu mà không thể tiến xa nếu chẳng có con thuyền làm định hướng, đưa dẫn. Nội lực và ngoại lực, vật chất và tinh thần, giá trị bên trong và những gì bên ngoài thể hiện, tuy thuộc về hai cực khác nhau, nhưng luôn song hành, bảo trợ, nâng đỡ, gắn kết với nhau. Nếu muốn hành trình sống vững chãi, đạt đến những chân trời lý tưởng, thì con người cần biết cân bằng giữa trí tuệ, trái tim và tham vọng.

Chiếc thuyền dẫu to hay nhỏ thì căn nguyên vẫn chỉ làm bằng giấy, sẽ tan vào nước lạnh giá khi đạt đến giới hạn. Con người sinh ra là bình đẳng, dù giàu có hay nghèo khổ thì kết thúc vẫn sẽ tan mình vào tro bụi. Đó là quy luật của vũ trụ. Không có thứ vật chất nào tồn tại bất tử mà không bị thay thế bởi những cái mới mẻ, tiến bộ hơn. Con người và vạn vật hữu hình đều thuộc về vật chất. Nếu ta chỉ chăm chăm đầu tư vào sự “phồn thịnh” của thể xác, danh lợi, tiền tài phù vân mà bỏ lơ nhân cách, không giữ gìn đời sống tinh thần thì ta sẽ mãi là người cô độc, ích kỉ. Chỉ cần một cơn gió mạnh đột ngột thổi qua, thuyền của ta sẽ bị lật và chìm nghỉm. Ta không chỉ mất tất cả, mà còn bị lãng quên vì không để lại được giá trị tốt đẹp nào cho cuộc sống. Giống như Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo”, chức cao vọng trọng, giàu có, sung sướng, nhưng khi chết đi rồi chẳng còn ai thương xót hay nhắc đến những điều tốt đẹp gã đã làm ngoài những lời chửi rủa, khinh miệt.

Chiếc thuyền không thể đứng vững nếu thiếu bóng đèn nội lực và bóng đèn không thể đi xa mà không có con thuyền dẫn dắt. Thomas Edison là một nhà bác học vĩ đại trong lịch sử loài người. Động lực cho phát minh của ông đôi khi chỉ xuất phát từ lòng cảm thương cho một cụ già yếu đuối không thể đi xe ngựa. Bill Gates là người giàu có nhất thế giới, nhưng người ta thường cảm phục ông là người sẵn sàng dâng hiến 90% tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện. Người ta không chỉ kể về Albert Einstein hay Galileo như những nhà vật lý thiên tài, mà còn ca ngợi họ là những con người dành cả cuộc đời vì sự tiến bộ của nhân loại. Quả vậy, tham vọng là động lực để con người nâng cao trí tuệ và nuôi dưỡng trái tim của mình. Còn trí tuệ và trái tim sẽ nâng đỡ cho những tham vọng chân chính.

Một thực trạng đáng buồn trong xã hội ngày nay là không phải ai cũng có thể cân bằng giữa chiếc thuyền và bóng đèn. Rất nhiều người chỉ mãi mê chạy theo tiền tài, địa vị, quyền lực mà chà đạp lên cả nhân cách của mình và cuộc sống của người khác. Đó không chỉ là mê muội mà còn là ngu dốt và độc ác. Mổ sống, ăn cắp nội tạng tại Trung Quốc, các đường dây buôn người, bắt cóc trẻ em, làm giả thực phẩm, sử dụng chất cấm trong sản xuất, các quan chức lớn tham nhũng,…những tội ác ghê tởm ấy ngày càng lan rộng hơn, khiến cho vũ trụ rối loạn, gây nhiều bấp bênh, chấn động trong dòng chảy chung của nhân loại. Mặt khác, nếu chiếc thuyền quá nhỏ bé thì sẽ không đủ sức đưa dẫn bóng đèn lên cao. Khi đó, thể chất không đủ, con người sống không có ý chí tiến thủ, không có định hướng tương lai đàng hoàng, thì dù có trái tim nhân hậu bao nhiêu vẫn không thể giúp ích được cho xã hội, mà lại vô tình trở thành gánh nặng, tự mình kéo cuộc sống mình xuống đáy.
Chính vì vậy, bản thân mỗi người, đặc biệt là các bạn trẻ cần nhìn nhận lại sự cân bằng trong cuộc sống của mình. Suy ngẫm và định hướng nghiêm túc vị trí, con đường mà bản thân muốn đạt đến trong tương lai. Từ đó không ngừng rèn luyện thể chất, tinh thần, trau dồi tri thức, kĩ năng sống và hoàn thiện nhân cách từng ngày. Luôn tỉnh thức về hướng đi của con thuyền cuộc đời, nếu lệch lạc, chông chênh thì phải điều chỉnh kịp thời trước khi quá muộn.

Không gì an yên hơn lá sen cân bằng trên mặt nước và không gì tài giỏi hơn một con người biết tự cân bằng trong cuộc sống. Hình ảnh chiếc thuyền giấy và bóng đèn cho ta một cái nhìn khái quát về cuộc sống, từ đó ta suy ngẫm và thực hành bài học sâu sắc về hành trình vững chãi của con thuyền cuộc đời. Hãy thinh lặng và lắng nghe: “Bạn đã thực sự sống cân bằng?”.

Bài văn này được viết bởi Vũ Mẫn Châu, năm 2019, lúc là học sinh lớp 11.