Giới thiệu về blog

Đây là blog của gia đình Văn Tác và Mai Trâm, được thiết lập nhằm mục đích lưu lại những kỷ niệm đẹp trong đời sống của gia đình bé nhỏ Văn-Mai. Ngoài những hình ảnh và video, blog còn chứa đựng của hồi môn dành riêng cho 3 cô công chúa nhỏ: Mẫn Châu - Hải Ngân và Ái Thi. Của hồi môn này là tập hợp những bài viết hay, có tính nhân văn cao mà Văn Tác đã sưu tầm trong suốt cuộc đời của mình.....

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Hình ảnh Niềm Vui Giáng Sinh Nhân Đôi cụm NT

 Hình ảnh Niềm Vui Giáng Sinh Nhân Đôi cụm NT

Cụm NT chuẩn bị cho thánh lễ Niềm Vui Giáng Sinh Nhân Đôi



Cụm NT trong bữa cơm thân mật tại nhà Tác-Trâm

Chương trình văn nghệ "hát cho nhau nghe" sau bữa cơm thân mật.
Thành thật xin cảm ơn cha Văn Mai đã đến và hâm nóng tình yêu thương trong cụm Nha Trang. Cha Mai đã rất nhiệt tình, chơi hết mình, vui hết mình!

Trân trọng,

Văn Tác.

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Bài văn 10 điểm đầu tiên của Vũ Mẫn Châu

Nha Trang, ngày 24/11/2011

Mẫn Châu yêu quý của ba,
Tối qua ba thật sự rất VUI và HẠNH PHÚC khi được con chia sẻ bài văn 10 điểm đầu tiên của mình....
Trong suốt quãng đời học sinh của ba, ba chưa bao giờ được điểm 10 môn văn cả, chính vì vậy ba rất hiểu và TRÂN TRỌNG điểm 10 mà con đã đạt được...... Sáng nay, ba quyết định đưa bài văn này lên blog của gia đình để GHI NHẬN sự cố gắng của con, cũng như để sau này con và các em của con tham khảo, tìm lại tuổi thơ của mình.....
Mặc dù mới học lớp 4 nhưng ba thấy con có cảm nhận rất sâu sắc về "Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca". Biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để cảm nhận rõ hơn, trung thực hơn là một bài học rất quan trọng của một người trưởng thành con ạ! Ba mong con có nhiều bài viết hay hơn, sâu sắc hơn trong tương lai. Chúc con thành công.

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Phương pháp điều trị bệnh cận thị và phát triển trí não ở trẻ .

Phương pháp điều trị bệnh cận thị và phát triển trí não ở trẻ
 
Mắt cận thị, vì sức hội tụ quá mạnh hoặc là nhãn cầu quá dài, ánh sáng hội tụ trước mặt phẳng võng mạc, kết quả là hình ảnh ở xa bị mờ đi, tuy nhiên các hình ảnh ở gần thường vẫn rõ nét.
Cận thị đang là căn bệnh thời đại của giới học sinh. Tỷ lệ học sinh đeo kính tăng đều mỗi năm mà đỉnh điểm là con số “kinh hoàng”: 79,95% ở các trường chuyên. Vậy cận thị là gì ?
Cận thị là một dạng tật khúc xạ của mắt trong đó hình ảnh của vật hội tụ ở trước võng mạc làm cho hình ảnh bị mờ.
Bình thường tia sáng hội tụ khi đi qua giác mạc, thủy tinh thể để rơi đúng vào mặt phẳng võng mạc, chuyển thông tin lên não và cho hình ảnh rõ nét.
Mắt cận thị, vì sức hội tụ quá mạnh hoặc là nhãn cầu quá dài, ánh sáng hội tụ trước mặt phẳng võng mạc, kết quả là hình ảnh ở xa bị mờ đi, tuy nhiên các hình ảnh ở gần thường vẫn rõ nét.
Phương pháp điều trị bệnh cận thị và phát triển trí não ở trẻ, Sức khỏe đời sống,
Nguyên nhân nào gây ra cận thị ?
Cho đến nay, lí giải hợp lí nhất vẫn là làm việc phải nhìn gần nhiều quá nhiều, dẫn đến bệnh cận thị. Một số nghiên cứu khác cũng cho rằng ở người lao động trí óc, thì tỷ lệ cận thị cao hơn nhiều so với những người khác.
Ngoài ra, người ta cũng nhấn mạnh nhiều đến yếu tố di truyền. Gọi là “cận thị bẩm sinh”.
Giải pháp cho bệnh cận thị:
Thị lực có thể phục hồi nếu được điều trị khi trẻ dưới 6 tuổi, nhưng khi trẻ đã lớn sẽ rất khó thậm chí không thể hồi phục. Do vậy phát hiện sớm để được điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Đeo kính là cách thông dụng, rẻ tiền, dễ áp dụng. Nếu bệnh nhân đeo kính sát tròng cần được kiểm tra giác mạc 3 tháng một lần, phải ngưng sử dụng kính nếu có bất thường trên giác mạc hoặc có phản ứng của mắt với kính.
Đối với bệnh nhân trên 18 tuổi có thể điều trị bằng phương pháp mổ laser.
Phương pháp đặt thủy tinh thể nhân tạo trong mắt được sử dụng khi bị cận nặng, có kèm bệnh đục thủy tinh thể.
Các giải pháp phối hợp:
Không xem sách ở nơi thiếu ánh sáng, không bắt mất làm việc quá lâu.Hai người nam nữ đều cận thị nặng (quá 9 Diôp trở lên) không nên lập gia đình với nhau để tránh ảnh hưởng di truyền cho con cháu.
Trong lớp nên xếp trẻ cận thị ngồi gần bảng. Hạn chế và giảm những triệu chứng mỏi mệt điều tiết do cận thị gây ra, cần làm việc ở khoảng cách thích hợp, từ mắt đến sách khoảng 30 - 40 cm.
Yếu tố dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ cũng rất quan trọng: Theo các chuyên gia Nhật Bản: người cận thị ăn nhiều chất ngọt có thể làm cho bệnh phát triển thêm. Ngoài ra, các chuyên gia Y tế Mỹ khuyên trẻ nhỏ trước và trong độ tuổi cấp 1 nên dùng các chế phẩm của DHA bổ xung những dưỡng chất tốt cho thị lực của mắt, vốn thường bị thiếu hụt hay mất cân bằng trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày. Viên nang mềm BRAIN MAX DHA xuất xứ Mỹ, chứa DHA 100 mg cô đặc từ 400mg nguyên chất dầu cá Hồi và Cá Yến, vốn là loài cá sống ở tầng nước sâu, có hàm lượng DHA sạch 100%. Điểm khác biệt của DHA Brain Max là cá hồi được thu hoạch ở các vùng biển Úc, NewZeland, Mỹ được chọn lọc và qua kiểm duyệt rất kỹ về chất lượng trước khi ép lấy dầu. Dầu được lọc qua quy trình hiện đại để loại bỏ các hàm lượng kim loại nặng, những chất không có lợi cho sức khỏe. Chính vì vậy sản phẩm Brain Max DHA đạt độ tinh chế, thuần và hoạt lực cao.
 

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

8 Món Quà Vô Giá Không Tốn Tiền

Bạn có thể tặng cho nhiều người thân trong gia đình bạn, bạn hữu, đồng nghiệp, láng giềng, và cả những người  mà bạn gặp gỡ hàng ngày những món quà vô giá mà bạn chẳng tốn xu nào.
Chúng ta thử xem mình có thể trao tặng những người mình gặp hôm nay những gì nhé.

1.Món quà từ sự lắng nghe:
Khi bạn thực sự lắng nghe, bạn chú ý, không ngắt ngang, không mơ màng, chỉ lắng nghe để cảm nhận về thấu hiểu. Đó là món quà vô giá thứ nhất bạn có thể dành cho người khác đặc biệt là những người thân yêu của mình.

2. Món quà từ sự trìu mến:
Hãy thể hiện sự trìu mến với những người thân yêu bằng những lời nói ân cần và cử chỉ trìu mến, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu.

3. Món quà từ sự vui tươi:
Hãy cắt những biếm họa, chia sẻ những mẩu chuyện cười và những tin vui nhộn cho các cộng sự và người thân. Họ sẽ hiểu và cảm nhận rằng bạn luôn muốn chia sẻ niềm vui và do đó họ sẽ dành cho bạn những điều to lớn hơn.


4. Món quà từ những mẩu giấy viết tay:
Hãy viết ra từ những lời chân thật, dù rất ngắn, nó có sức mạnh phi thường đấy, dù nó là dòng chữ “cảm ơn bạn đã giúp đỡ tôi” hay “xin lỗi vì mình đã quá nóng với bạn”. Hay thậm chí một bài thơ hay một lời khuyên đẹp. Chính những điều nho nhỏ đó, có thể đi suốt cuộc đời ta.

5. Món quà từ sự khen ngợi:
Sự ngợi khen thật lòng có sức mạnh không ngờ, đó có thể là “chiếc áo đỏ thật tuyệt với bạn” hay “một bữa ăn rất ngon” có thể đem lại niềm vui cho người khác suốt cả ngày.


6. Món quà từ sự giúp đỡ:
Mỗi ngày hãy chủ động làm một vài điều tử tế, bạn sẽ thấy cuộc sống thật vui vẻ và nhẹ nhàng.


7. Món quà của sự yên tĩnh: Hãy luôn nhạy cảm về điều này và để sự yên tĩnh cần thiết cho người khác cũng như có những lúc bạn cần sự yên tĩnh ấy.
8. Món quà từ sự thân thiện:
Hãy vui vẻ nói “Xin chào”, “Hi”, “Hello”, “khỏe không? Mọi việc ổn chứ”… điều thật dễ dàng nhưng sẽ đọng lại hình ảnh tốt của bạn nơi người thân.


Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Thư của học trò hư gửi thầy giáo

Hò ơi …ơi hò… là hò ơi...
Ai ơi qua sông thì nhớ người đưa đò
Trò tôi sang sông hát về chuyến đò
Ơi đò là người đưa …
Thưa thầy, cái chữ trò học mới ngày nào còn bập bẹ i tờ và giờ trò gửi thầy cũng bằng chính những chữ cái đầu đời ghép lại.
Trò được nghe kể rằng, từ ngàn xưa và tới ngày nay giáo dục là con đường phổ thông, quan trọng nhất đem đến cho con người và cả 1 đất nước sự vinh quang và phồn thịnh. Trước kia có thầy đồ bây giờ chúng ta gọi là thầy giáo - họ chính là người đảm nhiệm việc đưa đò tới sự vinh hiển. Thầy đồ xưa không chỉ dạy cái chữ mà còn dạy cho học trò những lễ nghi, đạo đức và cách ứng xử. Thầy đồ luôn được cả xã hội kính trọng là vì sự hiểu biết rộng và thường sống rất mực thước theo cốt cách nhà nho và trở thành tấm gương đạo đức để học trò noi theo.
Trò nhớ ngày đầu tiên đi học mắt ướt đến giàn giụa vì chưa quen trường, quen lớp được mẹ dắt tay từng bước…
Khi học xong trò muốn làm thầy nhưng rồi lại thôi vì đơn giản trò sợ: Trò bản tính nghịch lắm nên thầy gọi trò bằng “đứa này” – xưng hô kiểu “mày tao” nên trò càng hư. Trò sợ xưng hô giống thầy? Nhưng có thầy gọi trò bằng “con” xưng hô giản dị là vậy thì trò lại ngoan và coi thầy như cha mẹ. Trò chẳng hư và quậy phá nữa. Đơn giản vì thầy gọi trò là thân thương, là trìu mến. Trò nhớ thời trò đi học có bạn con nhà khá giả, có bạn hoàn cảnh bình thường và có bạn gia đình nghèo khó nhưng thường thầy quan tâm tới bạn có gia đình khá giả hơn vì người ta có điều kiện để gửi gắm thầy, để trăm sự nhờ thầy còn các bạn nhà nghèo, gia đình không khá giả thầy ít để tâm và thường hay khe khắt. Hiểu rộng ra là khoảng cách giữa trò thành thị và nông thôn. Trò thành thị có xe đón người đưa. Trò nông thôn không người đưa cũng ít xe đón, trò đi chân trần qua suối qua sông ham học cái chữ… Trò sợ mình lại thích dạy ở thành thị hơn là nông thôn?
Rồi trò hỏi mấy đứa trẻ hàng xóm vì sao muốn làm thầy nó đáp làm thầy sẽ kiếm tiền nhiều hơn bằng việc dạy thêm học nếm. Ai không học, không chiều theo ý thầy thì thầy sẽ mời phụ huynh, thầy trù cho đến khi nào ngộ ra một điều “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Trò sợ bị mang tiếng?
Thêm nữa trò sợ sự cũ mèm: trò lo những bài giảng trò dạy cho thế hệ mai sau lại na ná giống bài giảng năm xưa thầy dạy, không có tính sáng tạo, tư duy và đột phá. Mấy thế hệ rồi mà giáo trình vẫn thế, trò sợ học trò cũng chỉ học bấy nhiêu thôi thì chất lượng, hệ thống giáo dục ta bao giờ mới thay đổi và chuyển mình?
Trò năm xưa muốn qua sông, qua các kỳ thi trò phải lụy người lái đò có nghĩa là trò phải quan tâm tới thầy kĩ lưỡng. Văn hóa phong bì trò thấy đã tràn vào giáo dục ta mất rồi. Trò đọc báo, trò nghe sinh viên họ nói chuyện về người đưa đò bây giờ cô đơn và thiếu thốn tình cảm lắm. Thế nên mới có chuyện đổi tình lấy điểm. Trò nghe trò thấy mà giận người đưa đò.
Trò tự hỏi liệu rằng thế hệ học trò của thầy nếu chúng có làm người đưa đò có khi lại dạy thêm tràn lan như thế, lại phong bì, lại đổi trác…
Ngược dòng thời gian ngày ấy thầy đồ dạy học còn đơn xơ, mộc mạc lắm bây giờ thầy giáo kinh tế nghe chừng cũng khá giả, cuộc sống sung túc hơn chung quy lại trò chỉ muốn gửi gắm tới thầy vài lời: đã là thầy cần có chữ tâm “tâm với trò, tâm với bậc cha mẹ, tâm với nghề và rồi tâm với nước” thầy nhé!

Dòng sông tri thức tuy bao la rộng lớn nhưng với người lái đò tâm huyết cũng chẳng khó khăn gì. Người đưa đò sẽ rẽ được sóng, tránh được đá ngầm mà đưa con đò thoát khỏi cửa tử mà tới cửa sinh …

Trò mong rằng khi thầy đọc được điều này hãy cảm thông, chia sẻ và mong thầy khoan nghĩ “ trò hư”!

Thànhnkn

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Thư gửi mẹ-gây xúc động cộng đồng mạng



 “Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu quyết định hạnh phúc nữa”.

Đó là những câu văn xúc động của cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 Lý, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội.

Ảnh minh họa: từ Internet

Khi được cô giáo dạy văn giao đề bài văn nghị luận: “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, Trung Hiếu đã kể lại chân thật câu chuyện mà gia đình mình đang gặp phải. Những câu văn giản dị của Hiếu khiến mọi người không khỏi xúc động, giúp mọi người nhận thức được rằng: trong cuộc sống mưu sinh, bộn bề lo toan kiếm tiền thì tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa bố mẹ - con cái vẫn luôn hiện hữu như liều thuốc bổ động viên, khích lệ vô giá. 

Bài văn của Trung Hiếu hiện có tại website của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam (http://hn-ams.edu.vn/content/bai-van-la-cua-cau-hoc-sinh-11ly-truong-ams) và đang nhanh chóng lan truyền trên cộng đồng mạng. Chị Đỗ Linh Ngân, địa chỉ email: linhngan.do@... chia sẻ: “Chị khâm phục em không đơn thuần chỉ vì em học giỏi hay vì em nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền cho gia đình mà khâm phục cái nhìn của em về đồng tiền. Em đã khiến chị khóc, khiến chị nghĩ lại bản thân, cuộc sống xung quanh và đồng tiền mà mình đang sử dụng hàng ngày. Những người như em xứng đáng có được những thứ mình mong muốn”.

Anh Trần Phương Nam (bác sĩ Học viện quân y) xúc động: “Là một bác sĩ, anh hiểu được cảm giác của mẹ em và của cả gia đình em. Bài văn của em đã khiến anh nghĩ lại tất cả những gì sau 7 năm anh học y tại Hà Nội. Anh đã từng là người con không tốt, không có hiếu với bố mẹ. Cảm ơn em đã cho anh thấy được điều đó”. 



Thư gửi mẹ,


Mẹ thân yêu của con!


“Trời ơi là trời! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế. Anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con: “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ?” .

Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kỳ lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền.

Cách đây 8 năm bệnh viện đã chẩn đoán mẹ bị suy thận mạn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.

Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì… Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại Bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.

Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.

Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn: “Mẹ ghét tiền”.

Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần một tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục ngàn, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt.

Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. 8 năm rồi, 8 năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi!”.

Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của Bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ: “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa?”. Mẹ chỉ nói khẽ: “Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ!”.

Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm ghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ…

Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là…

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn bảo hiểm y tế nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …

Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng.

Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

Đứa con ngốc nghếch của mẹ.


Nguyễn Trung Hiếu
------------------------------------

Trên website của trường Ams cũng đã đăng thông tin của Thầy Vũ Quốc Lịch - Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam về hoàn cảnh thật của tác giả bài văn. TTO trích đăng:

"... Bài văn của Hiếu cũng đã gây “sốc” với ngay chính nhiều thầy cô đang giảng dạy tại trường bởi hoàn cảnh của gia đình em. Và hơn thế, các thầy cô rất khâm phục ý chí nghị lực của cậu học trò nghèo nhưng học giỏi này. Hiếu chưa nằm trong tốp học sinh xuất sắc của trường, nhưng cũng là một học sinh khá thông minh. Năm học vừa qua em đã đoạt giải nhì trong kì thi Olympic vật lí và cuối năm được cô giáo chủ nhiệm nhận xét trong học bạ là học sinh học giỏi đều các môn học.

Đến thăm gia đình em mới thấy hoàn cảnh gia đình quả rất khó khăn. Mẹ Hiếu (chị Nguyễn Thị Hạnh) bị suy thận mạn tính nặng phải chạy thận đã 8 năm. Bố Hiếu (anh Nguyễn Xuân Sơn) sức khỏe kém, theo bà nội em kể thì bố em từ nhỏ bị viêm tai giữa, đến khi phát hiện máu chảy ra đằng tai mới cho đến bệnh viện thì đã muộn, bác sĩ nói đã “ăn vào não” và để lại di chứng là trí nhớ và sức khỏe bị giảm sút, không có khả năng lao động.

Bà nội Hiếu đã cao tuổi mắt lòa. Mọi chi tiêu cho 5 người trong gia đình Hiếu ở giữa Hà Nội trong thời buổi giá cả leo thang đều chủ yếu trông chờ ở số lương hưu ít ỏi của ông nội em - một cựu quân nhân hiện đang ốm nằm liệt giường …

Cảm thông với gia cảnh của em, Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo trường Ams đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau một tháng triển khai, tính đến trung tuần tháng 10-2011, ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Nguyễn Trung Hiếu số tiền là 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, để có nguồn tài chính ổn định và giúp em Hiếu có điều kiện học tập nâng cao trình độ các thầy cô còn có hình thức chia sẻ phong phú khác như trích lương “tặng hàng tháng” cho em Hiếu 450.000 đồng; thầy Nguyễn Trọng Tuấn nguyên hiệu phó nhà trường cam kết cho em Hiếu vay hàng tháng 500.000 đồng cho đến khi học hết lớp 12; còn cô Nguyễn Thúy Hằng giáo viên toán thì tặng em một suất học bổng cho tất cả các môn học ở trung tâm “Học mãi”… Hiện nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai.

Nguyễn Trung Hiếu cho biết em rất xúc động trước tình cảm các thầy cô dành cho em và gia đình. Em không còn phải nhịn ăn sáng để đi học nữa. Em tự hứa sẽ thật cố gắng để giành thành tích cao hơn trong học tập nhằm vượt lên số phận và để ngày mai lập nghiệp, không phụ lòng mong mỏi của các thày cô, của gia đình …"

HOÀNG TUẤN
------------------------------------------------------

Gia cảnh nghẹn ngào

Ngồi chờ cả buổi chiều tại nhà Nguyễn Trung Hiếu ngày 6-11, chúng tôi chỉ gặp ông bà nội cậu học sinh lớp 11A1 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Người mẹ suy thận ốm yếu đang tất tả chăm người bà bị ốm. Còn bản thân Hiếu, cả ngày chủ nhật đã lên lịch đi sắp xếp, đóng gói quần áo quyên góp được cho chương trình “Thắp sáng bản em” ủng hộ trẻ em ở Mường Tè, Lai Châu.
Bà Đỗ Thị Lạp - bà nội của Hiếu - đang lụi cụi ngồi bên người chồng ốm yếu nằm trên giường. Bà Nguyễn Thị Cúc - hàng xóm - xót xa: “Cả gia đình năm người giờ chỉ trông chờ vào đồng lương hưu của ông lão 90 và bà lão đã trên 70 tuổi”. Năm người thì có đến bốn người ốm đau liên miên, trừ Hiếu. Bà nội bị tiểu đường biến chứng mờ mắt. Ông nội già yếu, tim phổi đều có vấn đề. Mẹ bị suy thận trường kỳ tám năm. Bố bị biến chứng viêm não, thần kinh không bình thường từ khi còn nhỏ. Lương hưu quân đội của ông nội Hiếu hơn 3 triệu đồng, còn lương hưu vị trí công nhân quét dọn thâm niên trong doanh trại quân đội của bà Lạp chỉ hơn 1 triệu đồng.
Lôi chiếc xoong nhôm cũ kỹ, mất nắp, bà Lạp ngập ngừng: “Đây, suất ăn “sang” của nhà tôi đây: 10.000 đồng cho ba lạng cá diếc, kho lên, ăn mười ngày qua cũng không hết đây này”. 10.000 đồng là tiền thức ăn cho mười ngày của một gia đình sống giữa đất Hà thành đắt đỏ! Hai vợ chồng già nương vào nhau bằng đồng lương ít ỏi, rồi lại tính toán chắt chiu đồng lương ấy để ra được hơn 1 triệu đồng nuôi gia đình ba người của cậu con trai.
Trong gia đình Hiếu, người được quan tâm, bồi dưỡng nhiều nhất là ông nội 90 tuổi. Xót xa thay khi nghe bà Lạp tâm sự: “Cả nhà ốm nhưng chỉ có mình ông nhà tôi được uống sữa. Mình ông ấy cũng mất hơn 1 triệu đồng tiền thuốc mỗi tháng. Song mọi người đều hiểu rằng nếu ông cụ 90 tuổi nhà tôi có mệnh hệ gì, Nhà nước cắt mất suất lương hưu trên 3 triệu đồng, bốn người còn lại sẽ không có gì mà ăn nữa”.
Nguyễn Trung Hiếu tại nhà chiều 6-11, sau khi đi quyên góp quần áo cho trẻ em vùng cao - Ảnh: QUANG THẾ

Trường kỳ muối vừng
Đến 19g Hiếu mới về nhà. Hiếu cao trên 1,7m mà chỉ tròm trèm 43kg cười khi được hỏi về công việc tình nguyện ngày chủ nhật. “Em tham gia câu lạc bộ tình nguyện với các anh chị được nửa năm rồi. Mục đích duy nhất là giúp các em nhỏ nghèo như mình không phải thiếu thốn, khổ sở”. Công việc ngày chủ nhật của Hiếu là đi đến từng nhà thu gom quần áo, rồi cùng các bạn đóng gói cẩn thận gửi lên cho các bé ở vùng núi.
Còn nhớ khi đỗ một lúc vào hai trường có khối chuyên nổi tiếng Hà Nội là THPT Chu Văn An và THPT Hà Nội - Amsterdam, cả nhà đều ngăn không cho cậu học Trường Hà Nội - Amsterdam dẫu nó danh tiếng. Lý do duy nhất là vì ai cũng nói đó là trường phải đóng nhiều tiền. “Và đúng là cả nhà đã sợ run lên thật khi năm đầu tiên, quỹ phụ huynh của nhà trường yêu cầu đóng 2 triệu đồng. Gia đình phải đi vay mỗi nơi một ít mới đủ tiền đóng quỹ” - bà Lạp kể.
Trong bài văn, Hiếu đưa ra lý do nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền cho mẹ. Ít ai biết rằng bên cạnh nhịn ăn sáng, cậu học sinh gầy gò còn trường kỳ ăn trưa với món muối vừng. Một lần tình cờ nhìn vào hộp cơm Hiếu mang đi, các thầy cô không thể cầm lòng và quyết định ủng hộ tiền giúp cậu học trò nghèo học giỏi.
Lật hết đống sách vở dày cộp, Hiếu lôi tận dưới cùng giá sách ra bài văn của mình: “Em phải giấu thế này vì không muốn bố mẹ tìm đọc được, phải suy nghĩ sẽ rất buồn”.
NGỌC HÀ
Ân tình thầy cô, bạn bè
Ngay bên lề trái trang văn cuối cùng của Hiếu, cô Đặng Nguyệt Anh - giáo viên văn lớp 11A1 - nắn nót ghi những dòng riêng tư: “Con hiện tại rất gầy và xanh xao. Bây giờ cô đã hiểu nguyên nhân. Nhưng theo cách này thì không ổn. Cô có cách giúp con kiếm tiền giúp mẹ”.
Trên website của Trường Hà Nội - Amsterdam đã đăng thông tin từ thầy Vũ Quốc Lịch về hoàn cảnh của tác giả bài văn và trợ giúp của thầy cô, bạn bè. Cảm thông với gia cảnh của em, ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo Trường Amsterdam đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau một tháng triển khai, tính đến trung tuần tháng 10-2011, ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Nguyễn Trung Hiếu số tiền 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, để có nguồn tài chính ổn định và giúp em Hiếu có điều kiện học tập nâng cao trình độ, các thầy cô còn có hình thức chia sẻ phong phú khác như trích lương “tặng hằng tháng” cho em Hiếu 450.000 đồng, thầy Nguyễn Trọng Tuấn - nguyên hiệu phó nhà trường - cam kết cho em Hiếu vay hằng tháng 500.000 đồng đến khi học hết lớp 12, cô Nguyễn Thúy Hằng - giáo viên toán - tặng em một suất học bổng cho tất cả các môn học ở trung tâm “Học mãi”… Hiện nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Cây bút chì

Bút chì: Con xin lỗi!

Cục tẩy: Vì cái gì thế, con yêu? Con có làm gì có lỗi đâu.

Bút chì: Con xin lỗi vì mẹ phải chịu đau đớn vì con. Bất cứ khi nào, con phạm phải sai lầm, mẹ lại luôn ở đó sửa sai giúp con. Nhưng khi mẹ làm điều đó, mẹ lại làm hại chính mình. Cứ mỗi lần như thế, mẹ lại ngày càng bé hơn.

Cục tẩy: Điều đó đúng! Nhưng bé ơi, mẹ chẳng phiền đâu. Con nhìn xem, mẹ được sinh ra để làm việc này mà. Mẹ được sinh ra để giúp con bất cứ khi nào con phạm phải sai lầm. Mặc dù mẹ biết ngày nào đó mẹ sẽ mất đi và con sẽ thay thế mẹ bằng người khác nhưng mẹ vẫn rất vui với những gì mẹ đã làm. Vậy nên, đừng lo lắng nữa nha! Mẹ ghét nhìn thấy con buồn lắm.

Tôi đã tìm thấy mẫu đối thoại nhiều xúc cảm này giữa cây Bút chì và Cục tẩy. Cha mẹ cũng giống như Cục tẩy này vậy và ngược lại con cái là những cây Bút chì. Họ luôn có mặt vì bọn trẻ và sửa chữa những sai lầm của chúng. Thỉnh thoảng vì điều đó, họ phải chịu đau đớn, họ trở nên "bé" đi ( già đi và thậm chí chết đi). Và dù cho bọn trẻ rồi sẽ tìm thấy một ai đó khác thay thế (vợ/chồng) cha mẹ vẫn rất hạnh phúc vì những gì họ đã làm cho con cái mình, hiển nhiên rất ghét phải nhìn thấy những báu vật quý giá của họ lo lắng hay phiền muộn.

"Suốt cuộc đời mình, tôi đã luôn là cây bút chì. Và điều đó làm tôi đau đớn khi nhìn thấy những cục tẩy - ba mẹ mình - lại bé đi mỗi ngày. Vì tôi biết một ngày nào đó, còn lại với tôi chỉ là những vụn tẩy và những kỷ niệm tôi có với họ."

Dành tặng cho những ai là cha mẹ!

Những Cái Cần Gạt Nước

Bạn đã từng lái xe trong mưa, bạn có để ý đến cái cần gạt nước không? Trời mưa như trút nước, nước phủ mờ mặt kính, che khuất cả đường đi.
May mắn thay chúng ta có những cái cần gạt nước: kiên trì và đều đặn, chúng xoá nhoà nước mưa trên kính, giúp ta nhìn thấy đường để lái xe. Thật tiện dụng tuyệt vời!


 
Trên chuyến xe cuộc đời, có những nỗi buồn rơi rớt, những lo âu lất phất, những cơn giận vũ bão… chúng như cơn mưa cản trở hành trình của chúng ta, làm chúng ta không thấy đường đi, mất phương hướng, hoặc chán nản dừng xe lại, tự làm mất thời gian và công sức của mình, bạn có thấy lãng phí không? Này bạn, thay vì ngồi than thân trách phận hoặc tiêu cực chờ đợi, sao bạn không thẳng tay gạt những nỗi buồn, những điều không vừa ý sang một bên để tiếp tục đi, cho dù chậm thì cũng vẫn là đang tiến tới. Một u sầu gạt bỏ là bạn sẽ được nhìn rõ hơn và xa hơn một chút, tiến xa hơn một chút trên đường đi của mình.


 
Dầu vậy, cũng có những niềm đau, những nỗi buồn như cơn mưa dai dẳng, khó có thể xoá nhòa trong chốc lát. Bạn phải đều đặn, đều đặn gạt bỏ chúng như… những cái cần gạt nước. Muốn vậy, bạn phải kiên trì, quyết tâm lập đi lập lại một động tác trong tư tưởng: đẩy sang phải, đẩy sang trái, cho những gì không vừa ý văng khỏi đời mình như những hạt mưa văng khỏi kính xe; hãy chiến đấu cho tương lai phía trước, để rồi những lo âu rơi rớt, những cơn giận tung toé, những phiền muộn đọng lại sẽ bị gạt bắn ra đằng sau từng phần, từng phần, và nhẹ dần đi cho tới khi mất hẳn. Quan trọng là bạn phải biết gạt bỏ chúng một cách đều đặn, kiên trì. Trời sẽ lại sáng sau cơn mưa.




Người tài xế cẩn thận, dù biết rõ công dụng của chiếc cần gạt nước, cũng không dám khinh thường trời mưa. Đường trơn, tầm nhìn giới hạn, xe không thể chạy nhanh được; bạn cũng vậy, bạn có thể gạt bỏ được những điều tiêu cực, phật lòng, buồn đau, nhưng vẫn chịu những hậu quả tổn hại của chúng. Hãy tiến lên nhưng đừng phóng nhanh, chậm rãi chú ý xem xét để được an toàn cho lần sau. Và nếu tránh được thì nên tránh từ đầu, như người lái xe khi xem thời tiết, biết trời mưa thì có thể khởi hành sớm hơn hoặc muộn đi, có thể lái xe đi vòng hướng khác để tránh cơn bão dập vùi. Đừng tự chuốc lấy những điều không vừa ý khi mình có thể tránh được. Cuộc đời còn có bao việc phải làm; nếu không thật cần thiết thì cũng chẳng nên lái xe trong mưa.




Và nếu nhỡ ra phải đi trong mưa, bạn có để ý thêm không? Trên kính xe có tới 2 cái cần gạt nước. Chúng làm việc chung với nhau thật hợp «rơ», lui tới đều đặn, song song, hỗ trợ cho nhau, để đẩy nước mưa ra ngoài. Trong cuộc đời, có những nỗi buồn, những lo âu thật khó xoá với sức của một người. Hãy cùng chia sẻ với người thân, với bè bạn: gánh nặng được san sẻ thì đôi vai sẽ bớt mỏi, đường đi sẽ bớt xa hơn, dễ đi hơn. Khi có sự đồng tâm hiệp lực thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn, niềm vui cũng sẽ lớn hơn, đủ để đánh bại những nỗi buồn lớn.


Và sau hết, bạn hãy là người lạc quan. Hãy nhìn những cái cần gạt nước không chịu nằm im, chúng chuyển động không ngừng, cố đẩy nước đến từ mọi phía. Nếu bạn chỉ ngồi một chỗ mà lo âu thì bạn thật là người đáng lo, nếu bạn chỉ biết cằn nhằn những phiền toái thì chúng vẫn còn đó, nếu bạn đắm mình trong u sầu thì u sầu sẽ nhận chìm bạn. Hãy suy nghĩ cho lạc quan và hành động tích cực; Đối với người lạc quan, sớm hay muộn thì vấn đề cũng sẽ có giải pháp, điều cần là phải vui sống dù tạm thời chưa giải quyết chúng được.


Xưa kia có một bà cụ hay ủ rũ khi nghĩ đến 2 người con ở xa : trời mưa thì bà nghĩ đến người con bán dép rơm bị ế ẩm vì không ai mua dép rơm để đi mưa; trời nắng thì bà lại nghĩ tới người con bán dù vì ai lại mua dù mùa nắng. Hàng xóm thấy vậy xúm vào khuyên bà hãy nghĩ ngược lại: trời nắng thì nghĩ tới người con bán dép rơm được đắt hàng, còn trời mưa thì nghĩ tới đứa con làm dù không đủ bán. Bà cụ nghe theo và từ đó sống thật vui vẻ. Bạn biết không, đời sống vui hay buồn nhiều khi không phải do những việc bên ngoài, mà lại tuỳ thuộc vào suy nghĩ và cách sống của chúng ta. Nhiều việc có cả mặt tốt lẫn mặt xấu, nhưng nếu nhìn mặt tốt có lẽ chúng ta sẽ sống hạnh phúc hơn, tội gì phải làm ngược lại. Những buồn khổ, lo âu, bất hạnh nhiều khi đến bất chợt như cơn mưa và ai cũng gặp phải. Dù sao trời cũng đã mưa và chúng ta phải lái «chuyến xe cuộc đời».



Hãy vui vẻ lạc quan khi nghĩ đến… «những cái cần gạt nước».

Tác giả: Hoài Nam

Yêu thương như bạn vẫn thường yêu, sống như bạn vẫn thường sống nhưng với một niềm tin là bạn không thể có cuộc sống này lần nữa.
Hạnh phúc mà bạn đang có hay nỗi đớn đau mà bạn đang mang là duy nhất, bạn hãy chấp nhận và thưởng thức.
Như bạn chỉ có thể sống được ngày hôm nay, còn ngày mai, ngày mai đó chưa tới và chắc chắn, ngày mai đó vẫn sẽ tới,
nhưng có thể sẽ không còn có bạn.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

8 bài học cha nên dạy con gái

Sự quyết đoán

Để xua tan định kiến phụ nữ thì phải nhường nhịn và tránh đối đầu, các bé gái cũng cần học cách chấp nhận cảm
xúc giận dữ của bản thân và tự quyết định những gì mình cho là đúng. Điều này không có nghĩa là để các bé thích gì làm nấy và quên kiềm chế bản thân. Điều quan trọng là khi có xung đột giữa cha và con gái, người cha nên sẽ trực tiếp đối thoại với con gái để tìm cách giải quyết, thay vì để mẹ phải làm trung gian. "Một bé gái nên được thoải mái thể hiện cảm xúc của mình, kể cả sự tức giận với cha và dám đưa phản biện. Nếu bé không dám làm điều ấy với cha mình thì cũng sẽ không thể ứng xử như thế với ông chủ, bạn trai hay những người khác phái khác.

Để giúp con rèn tính này, người cha hãy cho phép và khuyến khích con thể hiện cảm xúc trung thực, ý kiến cá nhân, thay vì trừng phạt mỗi lần con dám cãi lại hay tỏ ra giận dữ.

Tìm kiếm những mối quan hệ lành mạnh

Một câu nói cũ nhưng luôn luôn đúng: "Điều tốt nhất mà một người đàn ông có thể làm cho con mình là yêu thương mẹ chúng".

Một gia đình luôn tôn trọng yêu thương nhau có ảnh hưởng lớn đối với trẻ. Người cha có thể giúp con gái xây dựng mối quan hệ tốt trong tương lai bằng cách dạy con hãy luôn là chính mình, chứ không phải thay đổi như một con tắc kè hoa để phù hợp với người đàn ông nào đó. Để làm điều này, bạn nên giao tiếp với con gái càng nhiều càng tốt. Qua đó, con gái bạn sẽ học cách giao tiếp với tất cả những người đàn ông khác trong cuộc sống của mình.

Phấn đấu để đạt được thành công
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Một trong những thử thách lớn nhất trong cuộc sống là biết được bạn muốn gì và can đảm theo đuổi mục đích đó. Một người cha có thể giúp con gái tìm ra được ước mơ của bé là gì, sau đó dành cho con nền móng vững chắc để thực hiện ước mơ đó.

Điều quan trọng nhất là người cha hãy giúp con gái mình lựa chọn cơ hội và xây dựng lòng tự tin, rằng mình có thể thực hiện được những giấc mơ của bản thân.

Tự lập

Thật khó để các bậc cha mẹ làm lơ khi thấy con khó khăn, nhưng nếu luôn giải cứu cho trẻ, bạn sẽ làm hại chứ không phải giúp con gái, nhất là về tiền bạc. Bạn cần dạy con gái sự tự chủ về tài chính. Hãy để con hiểu rằng cô ấy không cần tiền hay bất cứ thứ gì từ một người đàn ông, và khi trưởng thành, cô ấy sẽ chọn một người mình quan tâm nhất chứ không phải một người đàn ông nhiều tiền nhất.

Sửa xe không chỉ là việc của nam giới

Hầu như bố luôn là người dạy các con lái xe, kể cả con trai và con gái. Tuy nhiên, bạn không nên chỉ dừng lại ở việc này. Bạn có thể dạy con gái cách bảo dưỡng xe, cách kiểm tra xe an toàn, sửa những thứ đơn giản nhất. Việc này không chỉ khiến các em gái hiểu rằng mình có thể làm bất cứ điều gì nam giới có thể mà còn giúp các em luôn biết chuẩn bị và giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống của mình.

Chịu trách nhiệm khi làm sai

Đây là một điều khó khăn, ngay cả với người lớn, bởi nó đòi hỏi không chỉ là việc thừa nhận bạn đã sai mà còn phải sữa chữa những việc bạn đã làm. Cách tốt nhất để dạy điều này là thực hành những gì bạn nói với con. Việc thấy bố luôn biết xin lỗi và cố gắng khắc phục sai lầm sẽ tạo phản xạ tuyệt vời tương tự ở các con gái. Lưu ý, khi con gái tâm sự những khó khăn của mình, bố thay vì đưa ra cho con các giải pháp, hãy chỉ ra cho bé biết trẻ sai ở chỗ nào và để em tự tìm ra cách giải quyết của mình.

Sự hoàn hảo chỉ là huyền thoại

Cuộc sống vốn có nhiều áp lực, nhất là để được sự hoàn hảo trong sự nghiệp, gia đình, nhất là với phụ nữ. Với cô con gái nhỏ, người cha có thể kể cho con nghe về những việc chưa hoàn hảo của mình, rằng bố cũng từng có những sai lầm, có lúc bố cũng cảm thấy xấu hổ với chính mình, bố thích nhất hay không thích điều gì ở mình, đặc biệt khi bằng tuổi con. Bố có thể giúp con hiểu trong cuộc sống hiện đại cả phụ nữ lẫn nam giới đều phải chịu những áp lực phải hoàn hảo để nhận được tình yêu. Ví dụ, đàn ông có nghĩa vụ phải kiếm tiền, trở thành người chồng lãng mạn, người cha tuyệt vời trong một quỹ thời gian ít ỏi... Những điều này sẽ giúp con bạn không quá tạo sức ép cho chính mình và biết thông cảm với người khác.

Tình yêu thực sự là tình yêu vô điều kiện

Thể hiện tình cảm với trẻ cũng là một các dạy con nhìn nhận về cuộc sống và chọn cách ứng xử phù hợp. Bạn hãy luôn khuyến khích con làm hết sức nhưng đồng thời cũng để trẻ biết rằng dù thế nào thì bạn vẫn luôn yêu con. Hãy luôn dành thời gian và sự chú ý cho con, có mặt ở những sự kiện quan trọng với trẻ, về nhà ăn tối và đừng ngại thể hiện tình yêu bằng những cử chỉ ân cần, âu yếm. Từ những điều giản dị này, con gái bạn cũng sẽ học được cách bộc lộ tình cảm và đón nhận tình yêu một cách vô điều kiện.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Tin tức cười

Có một nhà doanh nghiệp đi qua sông Lam - trên một con đò. 
Nhà doanh nghiệp hỏi ông lái đò : ông có biết kinh tế học không. "Không" - Ông lái đò trả lời. 
Doanh nhân : thế thì ông mất 1/4 cuộc đời. Ông có biết vi tính không ? 
Ông lái đò : Không 
Doanh nhân : thế thì ông mất 1/3 cuộc đời. 
Ông có biết lướt web bằng iphone không ? 
Ông lái đò : Không 
Doanh nhân : Trời, thế thì ông quả thật mất 1/2 cuộc đời. 
Lúc đó nuớc lũ cuồn cuộn chảy về. Ông lái đò lúc đó mới hỏi nhà doanh nghiệp: Ông có biết bơi không ? 
Không - Câu trả lời từ nhà doanh nghiệp.
Thế thì ông có thể mất cả cuộc đời rồi đó.
-------------------------------
Tạp chí Ga lăng… xăng viết: “Nếu bạn là phụ nữ, khi bạn bước lên xe bus, lần nào cũng có ít nhất là 3 chàng trai đứng dậy nhường chỗ cho bạn, điều đó nói lên rằng bạn đã quá béo!”.
----------------
Soạn tin nhắn với cú pháp "Alo Tao là cướp đây", rồi gửi đến số 113 . 
Bạn có Cơ hội cao để trúng Bộ giải thưởng hấp dẫn, gồm có : - Một còng số 8 chất liệu bằng thép không gỉ màu sắc trang nhã - Một bộ pijama kẻ sọc thời trang phong cách xì tin - Một căn hộ cao cấp xây dựng theo kiến trúc cổ đại (100% bằng đá phiến) tại Sơn La resort, mang lại cảm giác yên bình với chất lượng an ninh tuyệt đối....Rất phù hợp với những bạn trẻ muốn rời xa sự náo nhiệt của chốn thị thành!!! Nào !! Còn chờ gì nữa, hãy nhanh tay soạn tin nhắn và gửi đến số 113.
--------
KHÁT VỌNG
Bao giờ cho đến tháng ba 
Lương xài không hết đem ra sắm vàng 
Gạch bông đem lát đường làng 
Nông dân ngồi chật nhà hàng năm sao 
Gặp dân quan vội cúi chào 
Việc dân cần đến là ào xong ngay 
Đưa tiền quan vội xua tay 
Việc dân việc nước tối ngày sáng đêm 
Nhân tài đông chật như nêm 
Mấy thằng cơ hội ra thềm rửa xe 
Đường không lô cốt chắn che 
Mưa liền ba tháng vỉa hè vẫn khô 
Trẻ con đuổi bắt mặt rô 
Gái Hàn nô nức bắt bồ trai ta.
-----------------
Tổ chức Guinness vừa công bố kỷ lục thế giới mới về vòng eo nhỏ đã thuộc về một người phụ nữ VN, chị Lê Thị Teo, số đo vòng 2 của chị là 15 cm. Được biết bí quyết có được vòng eo nhỏ như vậy là bởi chị đã phải “thắt lưng buộc bụng” khá lâu, thắt đến độ không “thắt” được nữa, thậm chí ban tổ chức khi đo đã sờ thấy cả xương cột sống của chị từ phía trước. Chị Teo cũng cho hay, hàng xóm, bạn bè của chị cũng xấp xỉ đạt kỷ lục này. “Sở dĩ nhờ dạo trước giá cả tăng vọt … nên đại đa số chúng tôi đều phải tự “thắt lưng buộc bụng” đến độ như thế này. Việc đạt kỷ lục Guinness là không nằm trong dự tính của tôi. Nó khá bất ngờ và thú vị”, chị Teo chia sẻ.
---------
Bà mẹ nói với con trai: - Để mẹ giới thiệu con với một cô gái mà mẹ đã chọn: đó là một cô gái đẹp, mắt to, mũi cao, môi trái... 
- Con hiểu rồi, tức là con phải nấu cơm, giặt giũ... làm mọi thứ chứ gì!
--------------
Quảng cáo:
Nam, 25 tuổi. Khoẻ mạnh, thông minh, sở hữu 2 xe BMW, 1 du thuyền, 1 biệt thự cạnh Hồ Tây, 2 nhà mặt tiền khu trung tâm. Không mua, không bán, không có nhu cầu kết bạn. Chỉ đăng lên để... khoe vậy thôi. 
---------
Tin từ tạp chí An ninh chung cư, trang 17: Một người đã giết hàng xóm của mình, vì hàng xóm của ông ta nuôi gà trong căn hộ của ông ta, nằm trên lầu 20 giữa thành phố! Suốt 3 tháng liền ông ta phải đi bác sĩ tâm thần vì nghĩ mình suy nhược thần kinh nên tối nào cũng nghe thấy tiếng gà cục tác! 
------------
Ức lắm thay!^_^
“Hỡi ôi! Ngẫm cho cùng, đàn ông thật ngốc! Trong cuộc đời, chúng ta đã tậu về một thứ tạm gọi là tài sản mà càng để lâu càng mất giá. Thứ tài sản đó chính là vợ ta. Tậu về mà không được xem trước một cách kỹ càng, không được kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm một cách đầy đủ ở các điều kiện khác nhau, thậm chí chúng ta không hề nhận được bất kỳ một sự khuyến cáo nào từ nhà sản xuất hay còn gọi là bố mẹ vợ. Giấy bảo hành cũng không có nốt, xuất xứ hàng hóa càng không, biên bản bàn giao và nghiệm thu sản phẩm không hề được lập. Hàng mua rồi không được đổi hoặc trả lại. Bù lại bên bán gán cho ta những cái danh hiệu hão, nào là “rể tốt”, “người tử tế”, “người tiêu dùng nhân ái”… 
Tử tế cái nỗi gì, “họ” chỉ trông cho chúng ta “tử” rồi họ làm lễ “tế”. Tiêu dùng cái khỉ mốc, cho đến tận khi chúng ta “tiêu” đời rồi mà họ vẫn ép “dùng”. Đàn ông chúng ta quả là những con gà. Thảo nào con phố chuyên in thiếp cưới ở Thủ Đô lại có tên là phố Hàng Gà. Những kẻ không được đánh giá là tử tế như chúng ta, họ test, họ check hàng hóa một cách rất thoải mái, kỹ càng, nếu không ưng ý họ bỏ đi tìm hàng khác thì lại bị gán cho cái “bỉ danh” là Sở Khanh. Thật oan ức! Đáng ra phải gọi họ là những “người tiêu dùng thông thái” mới phải. Ức lắm thay!...”.
--------------

Đăng tin tìm vợ

Đăng tin tìm vợ : Thanh niên 26 tuổi, độc thân vui tính, khoẻ mạnh không rượu chè bài bạc chích choác, yêu màu tím, tôn thờ sự thủy chung, hơi lãng mạn, có khả năng tự chăm sóc bản thân và người khác, ăn ngủ luôn đúng giờ giấc, sống rất kỷ luật. Không lang thang trên mạng, chít chát hay chơi game trực tuyến. Đã sống theo đúng thời khoá biểu trên 2 năm và sẽ tiếp tục như thế cho đến hết cuộc đời còn lại. Muốn quen biết các cô gái dịu hiền, đẹp, có lòng vị tha, biết nấu nướng, hiểu người mình yêu... Ai mến xin thư về cho: Nguyễn Xuân Chiến, khu tù chung thân, trại 5, phòng số 3, buồng số 8, Thanh Hóa". (không nhận thư ngoài giờ hành chính)

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Những ý tưởng quý


Không ai sinh ra là được hạnh phúc ngay, nhưng tất cả mọi người đều được sinh ra với khả năng tạo hạnh phúc.

Bốn ý tưởng hay cho cuộc sống:
Nhìn lại đàng sau để có Kinh nghiệm !
Nhìn về phía trước để thấy Hy vọng !
Nhìn xung quanh để tìm ra Thực tại !
Nhìn vào bên trong để tìm thấy Chính mình!

Tại sao ta lại đỗ lỗi cho một người nào đó trong đời mình.
Người Tốt mang Hạnh Phúc cho ta...
Người Xấu cho ta Kinh Nghiệm...
Người Tệ nhất thì cho ta một Bài Học...

Bài học tốt nhất trên đời là hãy lắng nghe mọi người và học hỏi từ mọi người, vì không một ai có khả năng hiểu biết tất cả mọi chuyện và tất cả mọi người thì sẽ hiểu biết được một điều gì đó.

Người bạn là người biết ta rất tường tận, am hiểu gốc gác ta,
chấp nhận chỗ đứng của ta và vẫn dịu dàng để cho ta tiến tới.

Khi ta tìm một người bạn, đừng cố tìm một người hoàn
hảo mà chỉ nên tìm cho được một tình bạn chân chính.

F - few: vài (chỉ có một vài, chỉ có rất ít)
R - relations: mối quan hệ
I - in: trong
E - earth: trái đất
N - never: không bao giờ
D - die: chết
Chỉ có rất ít mối quan hệ trên đời này mới tồn tại mãi mãi.

Những lời nói tử tế có thể rất ngắn và rất dễ nói 
nhưng âm vang của chúng sẽ thật sự tồn tại vĩnh viễn.

Lẫn trốn một vấn đề rắc rối chỉ làm cho việc giải quyết vấn đề càng lùi xa thêm mà thôi!
Cách dễ nhất để thoát khỏi một vấn đề là tìm cách giải quyết nó.

Sự thật đáng ngạc nhiên về về Cái Lưỡi của con người: Phải mất 3 năm mới biết được cách sử dụng nó, nhưng phải mất cả một đời người mới biết được Ở ÐÂU và KHI NÀO thì mới nên sử dụng nó.
Không ai có thể làm tổn thương ta được nếu ta
không cho phép họ.
Tâm trí sẽ được an bình không cần hao tốn gì cả nếu ta biết loại bỏ 3 điều này đi (3 chữ C trong tiếng Anh):
Criticizing: chỉ trích
Comparing: so sánh
Complaining: phàn nàn.

BA QUY TẮC VÀNG của Vivekanand:
- Ai giúp ta - Ta đừng quên họ.
- Ai yêu thương ta - Ta đừng ghét họ.
- Ai tin tưởng ta - Ta đừng lừa gạt họ.

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Cô bé 13 tuổi khiến thế giới phải "im lặng"

Cô bé 13 tuổi khiến thế giới phải "im lặng", Bạn trẻ - Cuộc sống, bai phat bieu cua co be 13 tuoi, Severn, hoi thao vi moi truong, to chuc moi truong, Brazil, bao
Severn, cô gái 13 tuổi đã khiến tất cả mọi người có mặt trong buổi hội thảo phải "im lặng" bởi những lý lẽ sắc bén và đanh thép của mình.
Severn đến với Hội thảo vì môi trường từ đất nước Brazil cùng với những người bạn của mình bằng chính tiền của cô và các bạn dành dụm được.
Severn đã chỉ cho những con người được gọi là thông minh, những đất nước được cho là văn minh, phát triển về những gì họ đã và đang gây ra cho thế hệ tương lai những lời hứa hẹn mà chưa một lần hành động của họ.

Xin chào, tôi là Severn Suzuki thay mặt cho ECO – Tổ chức trẻ em vì môi trường.
Chúng tôi là 1 nhóm những người 12 – 13 tuổi đang cố gắng tạo ra 1 sự khác biệt : Vanessa Suttie, Morgan Geisler, Michelle Quigg và tôi. Chúng tôi đã tự tiết kiệm tiền để đến được đây, đi hơn 5000 dặm để nói cho người lớn các vị rằng, các vị phải thay đổi. Đến đây hôm nay, tôi không có 1 chương trình nghị sự bí mật nào cả. Tôi đang chiến đấu vị tương lai của mình.
Mất đi tương lai của mình không giống như thua 1 cuộc bầu cử, hay mất đi vài điểm trên sàn chứng khoán. Tôi ở đây để nói thay cho tất cả các thế hệ tương lai. Tôi ở đây để nói thay cho những đứa trẻ đang chết đói mà không ai có thể nghe được tiếng khóc của chúng. Tôi ở đây để nói thay cho vô số loài động vật đang chết dần trên cả hành tinh này vì không có nơi nào để đi.
Tôi sợ phải ra ngoài ánh sáng mặt trời vì những lỗ thủng trong tầng ozone. Tôi sợ phải hít thở vì không biết trong không khí có những hóa chất gì. Tôi từng đi câu cá ở Vancouver – quê hương tôi – cùng với cha tôi cho đến vài năm về trước khi biết rằng lũ cá mang đầy bệnh tật. Và giờ đây chúng tôi nghe tin rằng nhiều động vật, thực vật đang tuyệt chủng hàng ngày – biến mất mãi mãi.
Tôi đã từng mơ về việc được nhìn thấy những đàn gia súc lớn, những khu rừng rộng đầy chim chóc và bướm, nhưng bây giờ tôi không biết chúng có còn tồn tại để con cái tôi được chứng kiến hay không.
Các vị có phải lo lắng như vậy hồi bằng tưổi tôi không?
Tất cả những việc này đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta, vậy mà chúng ta đều cư xử như thể chúng ta đều còn thừa cả thời gian và giải pháp. Tôi chỉ là trẻ con và không có giải pháp nào, nhưng tôi muốn các vị nhận ra rằng chính các vị cũng không!
- Các vị không biết cách xử lý những lỗ thủng ở tầng ozone.
- Các vị không biết cách khiến cho cá hồi trở lại 1 con suối đã ngưng chảy.
- Các vị không biết cách hồi sinh 1 loài vật đã tuyệt chủng.
- Và các vị không thể mang lại những khu rừng ở những nơi giờ đây chỉ còn là sa mạc.
Nếu các vị không thể sửa chữa tình hình, xin đừng làm nó tệ hơn nữa!
Ở đây, các vị có thể là đại biểu chính phủ, doanh nhân, nhà tổ chức, phóng viên hay chính trị gia – nhưng thật ra các vị là những người mẹ và người cha, người anh và người chị, người cô hay hay người chú – và tất cả đều là những người con.
Tôi chỉ là trẻ con nhưng còn biết được chúng ta đều là thành viên của 1 gia đình hơn 5 tỷ người, hơn 30 dân tộc và biên giới, chính phủ sẽ không thể thay đổi điều đó.
Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi biết chúng ta đều có phần trách nhiệm và nên hành động như 1 thế giới duy nhất để tiến về 1 mục tiêu duy nhất.
Tôi không mù quáng trong cơn giận dữ, và không lo lắng trong cơn sợ hãi để cho cả thế giới biết được suy nghĩ của mình.
Ở nước tôi, chúng tôi thải ra quá nhiều rác,chúng tôi mua rồi lại vứt đi, vậy mà các nước phương Bắc vẫn không chia sẻ với người nghèo. Kể cả khi đã thừa thãi, chúng ta vẫn sợ phải chia sẻ, sợ phải cho đi 1 chút của cải.
Ở Canada, chúng tôi sống trong quyền thế, với rất nhiều lương thực, nước uống và nhà ở. Chúng tôi có đồng hồ, xe đạp, máy tính và tivi. Nhưng hai ngày trước ở đây, ở ngay Brazil, chúng tôi đã rất kinh ngạc khi sống cùng với những đứa trẻ trên đường phố. Một đứa bé đã nói với tôi như thế này “Ước gì tớ thật giàu có. Nếu như vậy, tớ sẽ cho bọn trẻ trên đường phố thức ăn, quần áo, thuốc thang, nhà ở và cả tình thương và sự cảm thông nữa”. Một đứa trẻ trên phố không có gì mà còn sẵn sàng chia sẻ, thì tại sao những người đầy đủ như chúng ta lại tham lam như thế này?
Tôi không thể không nghĩ đến những đứa trẻ đó chỉ bằng tuổi tôi, rằng nếu chỉ được sinh ra ở 1 nơi khác thôi, thì tôi có thể là những đứa trẻ sống ở khu nhà ổ chuột ở Rio, hoặc 1 đứa trẻ đang chết đói ở Somali, 1 nạn nhân chiến tranh ở Trung Đông hay 1 kẻ ăn xin ở Ấn Độ.
Tôi chỉ là trẻ con nhưng còn biết được nếu tất cả những đồng tiền chi phí chiến tranh được dùng để tìm kiếm giải pháp cho môi trường, chấm dứt đói nghèo và đi đến 1 hiệp ước thì thế giới này sẽ tuyệt đẹp đến nhường nào!
Ở trường học, thậm chí là ở mẫu giáo, các vị đã dạy cho chúng tôi phải cư xử cho đúng mực. Các vị đã dạy chúng tôi:
- Không được tranh cãi với nhau.
- Phải biết tìm ra giải pháp.
- Phải biết tôn trọng người khác.
- Phải biết sửa chữa những gì mình gây ra.
- Không được làm hại những sinh vật khác.
- Phải biết chia sẽ - không được tham lam.
Vậy tại sao các vị lại thực hiện những việc đã bảo chúng tôi không được làm?
Chẳng lẽ các vị đã quên mất mình tham dự những hội thảo này để làm gì và để cho ai? Chúng tôi là con cháu của các vị. Chính các vị đang quyết định chúng tôi sẽ lớn lên trong thế giới như thế nào? Cha mẹ lẽ ra phải có thể an ủi con cái bằng cách nói “mọi thứ sẽ ổn hết thôi mà”, “chưa phải là ngày tận thế đâu”, hay “chúng ta đang làm hết khả năng của mình rồi”.
Nhưng tôi không nghĩ rằng các vị có thể nói vậy với chúng tôi nữa. Liệu chúng tôi có còn là 1 ưu tiên của các vị nữa không? Cha tôi luôn nói với tôi: “Hành động mới quyết định con người thật của con, chứ không phải lời nói”.
Và hành động của các vị khiến cho đêm nào tôi cũng khóc. Các vị sẽ nói là yêu thương chúng tôi, nhưng tôi xin được thách thức các vị rằng hãy để cho hành động của mình đúng với lời nói.
Xin cảm ơn!


Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Những Kiến Thức Nho Nhỏ

Những Kiến Thức Nho Nhỏ
http://www.mentalfloss.com/wp-content/uploads/2008/12/lightning.jpg
http://rarelyknown.org/wp-content/uploads/2011/09/lightening.jpg

1. Khi bạn bị sét đánh trúng, làn da của bạn bị đốt cháy ở nhiệt độ 28.000˚C, khủng khiếp hơn cả nhiệt độ trên bề mặt của Mặt Trời.
 image
2. Mỗi lần hắt hơi, trái tim của bạn sẽ ngừng đập một giây.
 
image
3. Tất cả hành tinh trong hệ mặt trời đều quay ngược chiều kim đồng hồ trừ sao Kim.
 
image
4. Khi sinh ra, mọi đứa trẻ đều mù màu.
 
image
5. Nếu bị mù một mắt, bạn sẽ chỉ mất khoảng 1 phần 5 thị lực mà thôi.
 
image
6. Nếu bị nhốt trong phòng kín thì bạn sẽ chết vì nhiễm độc CO2 trước khi chết vì thiếu ôxy.
 
image
7. Khi áp vỏ sò vào tai, bạn tưởng là mình nghe thấy tiếng biển nhưng thực ra đó là âm thanh máu đang chảy qua các huyết quản được khuếch đại mà thôi. Nếu sử dụng bất kỳ vật gì có dạng hình cốc, bạn cũng sẽ thấy hiệu ứng tương tự.
 
image
8. Khi chúng ta còn sống, não có màu hồng, còn khi chết đi, nó sẽ chuyển thành màu xám.
 
image
9. Một người bình thường sẽ chết vì thiếu ngủ nhanh hơn so với chết vì đói. Bạn có thể nhịn đói trong vài tuần nhưng chỉ có thể cầm cự trong khoảng 10 ngày không ngủ.
 
image
10. Chim ruồi là loài sinh vật duy nhất có thể bay lùi.
 
image
11. Mắt của đà điểu còn lớn hơn não của chúng.
 
image
12. Con gián có thể sống đến 9 ngày mà không có đầu cho đến khi chúng chết vì đói.
 
image
13. Thực ra lông của gấu trắng Bắc Cực không phải màu trắng mà là trong suốt và có thể đổi màu tùy theo điều kiện thời tiết.
 
image
14. Tất cả tôm khi sinh ra đều là giống đực rồi sau đó sẽ chuyển giới tính khi chúng trưởng thành.
 
image
15. Lạc đà có đến 3 mí mắt và một lớp lông mi đặc biệt dài để giữ cho cát không bay vào mắt chúng khi có bão cát xảy ra.
 
image
16. Cá heo không bao giờ uống nước và số lượng nước cần thiết cho cơ thể qua số thức ăn của chúng, bởi vì uống nước biển sẽ khiến chúng bị bệnh hoặc chết.