Giới thiệu về blog

Đây là blog của gia đình Văn Tác và Mai Trâm, được thiết lập nhằm mục đích lưu lại những kỷ niệm đẹp trong đời sống của gia đình bé nhỏ Văn-Mai. Ngoài những hình ảnh và video, blog còn chứa đựng của hồi môn dành riêng cho 3 cô công chúa nhỏ: Mẫn Châu - Hải Ngân và Ái Thi. Của hồi môn này là tập hợp những bài viết hay, có tính nhân văn cao mà Văn Tác đã sưu tầm trong suốt cuộc đời của mình.....

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Thư gửi mẹ-gây xúc động cộng đồng mạng



 “Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu quyết định hạnh phúc nữa”.

Đó là những câu văn xúc động của cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 Lý, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội.

Ảnh minh họa: từ Internet

Khi được cô giáo dạy văn giao đề bài văn nghị luận: “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, Trung Hiếu đã kể lại chân thật câu chuyện mà gia đình mình đang gặp phải. Những câu văn giản dị của Hiếu khiến mọi người không khỏi xúc động, giúp mọi người nhận thức được rằng: trong cuộc sống mưu sinh, bộn bề lo toan kiếm tiền thì tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa bố mẹ - con cái vẫn luôn hiện hữu như liều thuốc bổ động viên, khích lệ vô giá. 

Bài văn của Trung Hiếu hiện có tại website của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam (http://hn-ams.edu.vn/content/bai-van-la-cua-cau-hoc-sinh-11ly-truong-ams) và đang nhanh chóng lan truyền trên cộng đồng mạng. Chị Đỗ Linh Ngân, địa chỉ email: linhngan.do@... chia sẻ: “Chị khâm phục em không đơn thuần chỉ vì em học giỏi hay vì em nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền cho gia đình mà khâm phục cái nhìn của em về đồng tiền. Em đã khiến chị khóc, khiến chị nghĩ lại bản thân, cuộc sống xung quanh và đồng tiền mà mình đang sử dụng hàng ngày. Những người như em xứng đáng có được những thứ mình mong muốn”.

Anh Trần Phương Nam (bác sĩ Học viện quân y) xúc động: “Là một bác sĩ, anh hiểu được cảm giác của mẹ em và của cả gia đình em. Bài văn của em đã khiến anh nghĩ lại tất cả những gì sau 7 năm anh học y tại Hà Nội. Anh đã từng là người con không tốt, không có hiếu với bố mẹ. Cảm ơn em đã cho anh thấy được điều đó”. 



Thư gửi mẹ,


Mẹ thân yêu của con!


“Trời ơi là trời! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế. Anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con: “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ?” .

Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kỳ lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền.

Cách đây 8 năm bệnh viện đã chẩn đoán mẹ bị suy thận mạn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.

Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì… Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại Bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.

Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.

Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn: “Mẹ ghét tiền”.

Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần một tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục ngàn, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt.

Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. 8 năm rồi, 8 năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi!”.

Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của Bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ: “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa?”. Mẹ chỉ nói khẽ: “Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ!”.

Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm ghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ…

Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là…

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn bảo hiểm y tế nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …

Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng.

Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

Đứa con ngốc nghếch của mẹ.


Nguyễn Trung Hiếu
------------------------------------

Trên website của trường Ams cũng đã đăng thông tin của Thầy Vũ Quốc Lịch - Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam về hoàn cảnh thật của tác giả bài văn. TTO trích đăng:

"... Bài văn của Hiếu cũng đã gây “sốc” với ngay chính nhiều thầy cô đang giảng dạy tại trường bởi hoàn cảnh của gia đình em. Và hơn thế, các thầy cô rất khâm phục ý chí nghị lực của cậu học trò nghèo nhưng học giỏi này. Hiếu chưa nằm trong tốp học sinh xuất sắc của trường, nhưng cũng là một học sinh khá thông minh. Năm học vừa qua em đã đoạt giải nhì trong kì thi Olympic vật lí và cuối năm được cô giáo chủ nhiệm nhận xét trong học bạ là học sinh học giỏi đều các môn học.

Đến thăm gia đình em mới thấy hoàn cảnh gia đình quả rất khó khăn. Mẹ Hiếu (chị Nguyễn Thị Hạnh) bị suy thận mạn tính nặng phải chạy thận đã 8 năm. Bố Hiếu (anh Nguyễn Xuân Sơn) sức khỏe kém, theo bà nội em kể thì bố em từ nhỏ bị viêm tai giữa, đến khi phát hiện máu chảy ra đằng tai mới cho đến bệnh viện thì đã muộn, bác sĩ nói đã “ăn vào não” và để lại di chứng là trí nhớ và sức khỏe bị giảm sút, không có khả năng lao động.

Bà nội Hiếu đã cao tuổi mắt lòa. Mọi chi tiêu cho 5 người trong gia đình Hiếu ở giữa Hà Nội trong thời buổi giá cả leo thang đều chủ yếu trông chờ ở số lương hưu ít ỏi của ông nội em - một cựu quân nhân hiện đang ốm nằm liệt giường …

Cảm thông với gia cảnh của em, Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo trường Ams đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau một tháng triển khai, tính đến trung tuần tháng 10-2011, ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Nguyễn Trung Hiếu số tiền là 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, để có nguồn tài chính ổn định và giúp em Hiếu có điều kiện học tập nâng cao trình độ các thầy cô còn có hình thức chia sẻ phong phú khác như trích lương “tặng hàng tháng” cho em Hiếu 450.000 đồng; thầy Nguyễn Trọng Tuấn nguyên hiệu phó nhà trường cam kết cho em Hiếu vay hàng tháng 500.000 đồng cho đến khi học hết lớp 12; còn cô Nguyễn Thúy Hằng giáo viên toán thì tặng em một suất học bổng cho tất cả các môn học ở trung tâm “Học mãi”… Hiện nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai.

Nguyễn Trung Hiếu cho biết em rất xúc động trước tình cảm các thầy cô dành cho em và gia đình. Em không còn phải nhịn ăn sáng để đi học nữa. Em tự hứa sẽ thật cố gắng để giành thành tích cao hơn trong học tập nhằm vượt lên số phận và để ngày mai lập nghiệp, không phụ lòng mong mỏi của các thày cô, của gia đình …"

HOÀNG TUẤN
------------------------------------------------------

Gia cảnh nghẹn ngào

Ngồi chờ cả buổi chiều tại nhà Nguyễn Trung Hiếu ngày 6-11, chúng tôi chỉ gặp ông bà nội cậu học sinh lớp 11A1 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Người mẹ suy thận ốm yếu đang tất tả chăm người bà bị ốm. Còn bản thân Hiếu, cả ngày chủ nhật đã lên lịch đi sắp xếp, đóng gói quần áo quyên góp được cho chương trình “Thắp sáng bản em” ủng hộ trẻ em ở Mường Tè, Lai Châu.
Bà Đỗ Thị Lạp - bà nội của Hiếu - đang lụi cụi ngồi bên người chồng ốm yếu nằm trên giường. Bà Nguyễn Thị Cúc - hàng xóm - xót xa: “Cả gia đình năm người giờ chỉ trông chờ vào đồng lương hưu của ông lão 90 và bà lão đã trên 70 tuổi”. Năm người thì có đến bốn người ốm đau liên miên, trừ Hiếu. Bà nội bị tiểu đường biến chứng mờ mắt. Ông nội già yếu, tim phổi đều có vấn đề. Mẹ bị suy thận trường kỳ tám năm. Bố bị biến chứng viêm não, thần kinh không bình thường từ khi còn nhỏ. Lương hưu quân đội của ông nội Hiếu hơn 3 triệu đồng, còn lương hưu vị trí công nhân quét dọn thâm niên trong doanh trại quân đội của bà Lạp chỉ hơn 1 triệu đồng.
Lôi chiếc xoong nhôm cũ kỹ, mất nắp, bà Lạp ngập ngừng: “Đây, suất ăn “sang” của nhà tôi đây: 10.000 đồng cho ba lạng cá diếc, kho lên, ăn mười ngày qua cũng không hết đây này”. 10.000 đồng là tiền thức ăn cho mười ngày của một gia đình sống giữa đất Hà thành đắt đỏ! Hai vợ chồng già nương vào nhau bằng đồng lương ít ỏi, rồi lại tính toán chắt chiu đồng lương ấy để ra được hơn 1 triệu đồng nuôi gia đình ba người của cậu con trai.
Trong gia đình Hiếu, người được quan tâm, bồi dưỡng nhiều nhất là ông nội 90 tuổi. Xót xa thay khi nghe bà Lạp tâm sự: “Cả nhà ốm nhưng chỉ có mình ông nhà tôi được uống sữa. Mình ông ấy cũng mất hơn 1 triệu đồng tiền thuốc mỗi tháng. Song mọi người đều hiểu rằng nếu ông cụ 90 tuổi nhà tôi có mệnh hệ gì, Nhà nước cắt mất suất lương hưu trên 3 triệu đồng, bốn người còn lại sẽ không có gì mà ăn nữa”.
Nguyễn Trung Hiếu tại nhà chiều 6-11, sau khi đi quyên góp quần áo cho trẻ em vùng cao - Ảnh: QUANG THẾ

Trường kỳ muối vừng
Đến 19g Hiếu mới về nhà. Hiếu cao trên 1,7m mà chỉ tròm trèm 43kg cười khi được hỏi về công việc tình nguyện ngày chủ nhật. “Em tham gia câu lạc bộ tình nguyện với các anh chị được nửa năm rồi. Mục đích duy nhất là giúp các em nhỏ nghèo như mình không phải thiếu thốn, khổ sở”. Công việc ngày chủ nhật của Hiếu là đi đến từng nhà thu gom quần áo, rồi cùng các bạn đóng gói cẩn thận gửi lên cho các bé ở vùng núi.
Còn nhớ khi đỗ một lúc vào hai trường có khối chuyên nổi tiếng Hà Nội là THPT Chu Văn An và THPT Hà Nội - Amsterdam, cả nhà đều ngăn không cho cậu học Trường Hà Nội - Amsterdam dẫu nó danh tiếng. Lý do duy nhất là vì ai cũng nói đó là trường phải đóng nhiều tiền. “Và đúng là cả nhà đã sợ run lên thật khi năm đầu tiên, quỹ phụ huynh của nhà trường yêu cầu đóng 2 triệu đồng. Gia đình phải đi vay mỗi nơi một ít mới đủ tiền đóng quỹ” - bà Lạp kể.
Trong bài văn, Hiếu đưa ra lý do nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền cho mẹ. Ít ai biết rằng bên cạnh nhịn ăn sáng, cậu học sinh gầy gò còn trường kỳ ăn trưa với món muối vừng. Một lần tình cờ nhìn vào hộp cơm Hiếu mang đi, các thầy cô không thể cầm lòng và quyết định ủng hộ tiền giúp cậu học trò nghèo học giỏi.
Lật hết đống sách vở dày cộp, Hiếu lôi tận dưới cùng giá sách ra bài văn của mình: “Em phải giấu thế này vì không muốn bố mẹ tìm đọc được, phải suy nghĩ sẽ rất buồn”.
NGỌC HÀ
Ân tình thầy cô, bạn bè
Ngay bên lề trái trang văn cuối cùng của Hiếu, cô Đặng Nguyệt Anh - giáo viên văn lớp 11A1 - nắn nót ghi những dòng riêng tư: “Con hiện tại rất gầy và xanh xao. Bây giờ cô đã hiểu nguyên nhân. Nhưng theo cách này thì không ổn. Cô có cách giúp con kiếm tiền giúp mẹ”.
Trên website của Trường Hà Nội - Amsterdam đã đăng thông tin từ thầy Vũ Quốc Lịch về hoàn cảnh của tác giả bài văn và trợ giúp của thầy cô, bạn bè. Cảm thông với gia cảnh của em, ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào “Nhà giáo Trường Amsterdam đỡ đầu cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt”. Sau một tháng triển khai, tính đến trung tuần tháng 10-2011, ban vận động đã nhận quyên góp và chuyển tới em Nguyễn Trung Hiếu số tiền 12,9 triệu đồng và một bộ laptop. Ngoài ra, để có nguồn tài chính ổn định và giúp em Hiếu có điều kiện học tập nâng cao trình độ, các thầy cô còn có hình thức chia sẻ phong phú khác như trích lương “tặng hằng tháng” cho em Hiếu 450.000 đồng, thầy Nguyễn Trọng Tuấn - nguyên hiệu phó nhà trường - cam kết cho em Hiếu vay hằng tháng 500.000 đồng đến khi học hết lớp 12, cô Nguyễn Thúy Hằng - giáo viên toán - tặng em một suất học bổng cho tất cả các môn học ở trung tâm “Học mãi”… Hiện nay cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét