Giới thiệu về blog

Đây là blog của gia đình Văn Tác và Mai Trâm, được thiết lập nhằm mục đích lưu lại những kỷ niệm đẹp trong đời sống của gia đình bé nhỏ Văn-Mai. Ngoài những hình ảnh và video, blog còn chứa đựng của hồi môn dành riêng cho 3 cô công chúa nhỏ: Mẫn Châu - Hải Ngân và Ái Thi. Của hồi môn này là tập hợp những bài viết hay, có tính nhân văn cao mà Văn Tác đã sưu tầm trong suốt cuộc đời của mình.....

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Mọi việc cha làm đều vì gia đình

Hãy tự bằng lòng và học cách quan tâm đến người thân, để một mai thức dậy ta có thêm động lực để sống.

Cha là một người chăm chỉ. Ông thường giao bánh mì kiếm sống để nuôi vợ và ba đứa con. Ông cũng dành các buổi tối trau dồi kiến thức, với hy vọng ngày nào đó ông sẽ có một công việc tốt hơn. Cha hầu như không ăn một bữa nào cùng với gia đình, ngoại trừ chủ nhật. Ông làm việc và học rất chăm chỉ, bởi ông muốn mọi thứ tốt nhất cho gia đình bé nhỏ của mình.
Cứ mỗi lần mẹ than phiền cha không dành thời gian cho gia đình thì ông giải thích là mọi thứ ông làm đều dành cho mọi người. Cha cũng thú nhận mong muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn là làm việc.
Với tất cả nỗ lực, cha đã hoàn thành xuất sắc và vượt qua kỳ thi nhanh chóng. Ngay sau đó, cha cũng tìm được một công việc như ý. Một giám sát viên với mức lương ngoài mong đợi. Giống như một giấc mơ trở thành sự thật. Bây giờ cha đủ khả năng để mang đến cho gia đình một cuộc sống khác. Như quần áo đẹp, giầy dép, thức ăn ngon và những kỳ nghỉ ở nước ngoài.
Tuy nhiên, những người thân trong gia đình hầu như không thể gặp cha trong suốt cả tuần. Cha tiếp tục làm việc chăm chỉ, hy vọng được đề bạt vào vị trí của người quản lý. Trên thực tế, để là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí này, cha phải tham gia một khóa học khác tại một trường đại học ở nước ngoài.
Một lần nữa, bất cứ khi người vợ phàn nàn, ông đều nói rằng việc ông đang làm là cho gia đình. Nhưng trong tâm trí mình, ông luôn mong có thể dành thời gian cho người thân yêu nhiều hơn.
Cuối cùng sự chăm chỉ của người cha cũng được đền đáp. Ông đã được thăng chức và quyết định thuê một người giúp việc để giảm bớt việc nhà cho người vợ. Bên cạnh đó, một chung cư với các tiện nghi thoải mái sẽ là nơi sinh hoạt mới của gia đình.
Từng trải qua nhiều khó khăn để có được những thành tựu như bây giờ, cha lại tiếp tục nghiên cứu và muốn được thăng tiến hơn. Gia đình vẫn không gặp được ông. Thực tế, đôi khi cha phải làm việc vào cả ngày chủ nhật. Một lần nữa, ông lại giải thích với tất cả rằng mọi thứ ông làm là vì họ. Và như một thói quen, ông chia sẻ mong muốn sẽ có thời gian cho gia đình.
Đúng dự kiến, công việc vất vả của cha đã được đền đáp bằng một căn hộ chung cư đẹp nhìn ra bờ biển. Vào tối chủ nhật đầu tiên ở nhà mới, cha tuyên bố với gia đình rằng ông quyết định không tham gia các khóa học nữa và cũng sẽ không cố gắng cho bất cứ sự thăng tiến nào. Từ đó về sau ông sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Nhưng ngay sáng hôm sau, cha đã không thể thức dậy nữa.
Ngày nay chúng ta thường mải chạy theo cuộc sống, theo sự xa hoa đi kèm với nó. Tất cả mọi người đều mong muốn làm được những điều tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân. Con người luôn nỗ lực không ngừng cho một mục đích đó. Nhưng với vòng quay của cuộc sống thì ước mơ đó chưa bao giờ là trọn vẹn.
Dù kết quả đạt được chưa xứng đáng thì bản thân ta không phủ nhận được sự cố gắng và tâm trí đã đặt vào đó. Hãy biết tự bằng lòng và học cách quan tâm đến những người thân, những người xung quanh mình, để một mai thức dậy ta có thêm động lực để sống.

 

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Lời cảnh báo đáng suy tư: Tâm sự của một cựu Linh Mục

Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hằng ngày.

Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.

Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên. Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý. Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này. Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à.

Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài”. Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách đó. Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi. Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con. Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì ? ”.

Khốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện. Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa. Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi. Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân. Siêu đẳng như tôi thì không cần. Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên. Chuyện gì đến cũng đã đến. Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt. Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”. Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha. Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh.

Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng tôn kính. Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.

Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” :

Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa. Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn. Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.

Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.

Lời bàn: Những lời cảnh báo này thật đáng suy nghĩ. Bao nhiêu lần tôi đi dự lễ ngày Chúa Nhật mà chỉ mong cha làm cho nhanh nhanh để tôi về còn lo làm chuyện khác. Tôi có chuyện gì đáng lo hơn là phần rỗi linh hồn của tôi.

Tôi có một công việc rồi, còn muốn kiếm thêm một công việc nữa đến nỗi không còn có giờ cầu nguyện nữa. Sống như điên, cày như điên như thế có phải là cuộc sống được chúc phúc không.

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Thiếu gia đất mỏ bán cơm 5.000 đồng

 Từ một thanh niên rất "chơi bời", mua sắm không tiếc tiền, Trung bỗng thay tính đổi nết và luôn đau đáu với các bệnh nhân nghèo. Suất cơm 5.000 đồng hay bữa cháo miễn phí của Trung đã mang lại niềm vui cho nhiều người.

> Quán cơm 5.000 đồng ở Hà Nội

Thứ bảy và chủ nhật, quán cơm bình dân di động của Nguyễn Thành Trung (24 tuổi, quê Quảng Ninh) lại đến với các bệnh nhân ở Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngoài ra, cứ hai tuần một lần, Trung cùng các tình nguyện viên đến biếu cơm miễn phí cho bệnh nhân ở Bệnh viện K. Trước đó, quán cơm 5.000 đồng của chàng trai đất mỏ Quảng Ninh này "đóng đô" ở cổng sau của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Với Trung, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện K là hai nơi cậu mong muốn được chia sẻ nhất. Trung lý giải, Bệnh viện Nhi là nơi những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời còn Bệnh viện K đón bệnh nhân nặng sắp ra đi. Bởi vậy, khi không được Bệnh viện Nhi Trung ương cho phép bán cơm 5.000 đồng ở cổng, thiếu gia này đã khóc...
Một lần tình cờ xem bức ảnh ông cụ đói lả nằm co quắp trên cầu Thanh Trì được chia sẻ trên mạng, Trung xúc động và cảm thương cho những hoàn cảnh khó khăn. Ý tưởng phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo của cậu ra đời từ đó. Ban đầu, định phát cơm miễn phí nhưng nhiều người khuyên làm theo mô hình cơm 2.000 đồng trong TP HCM để người mua cảm thấy thoải mái, cậu bắt đầu lên kế hoạch.


Không chỉ bạn bè, người thân mà ngay bản thân Trung cũng không ngờ cậu thanh niên ăn chơi ngày nào lại thay đổi đến vậy. Ảnh: NVCC.
Để ý tưởng thành hiện thực, Trung lặn lội vào TP HCM để học hỏi kinh nghiệm và tham khảo mô hình quán cơm 2.000 đồng. Thấy không đủ tiền và hình thức đó không phù hợp ở Hà Nội nên Trung quyết định làm theo ý mình.
Khi mới bắt tay vào làm cơm di động 5.000 đồng, Trung vừa ra trường và đang đi làm ở cửa hàng điện thoại. Toàn bộ 20 triệu đồng tích cóp được, Trung dành 10 triệu mua đồ dùng nấu ăn, đóng 3 tháng tiền thuê nhà trên đường Láng và chỉ còn vỏn vẹn 2 triệu đồng để mua rau, thức ăn.
Nhớ lại những ngày đầu tiên, "ông chủ" trẻ cười híp mắt và luôn miệng nói "khó khăn lắm, giờ nhắc tới vẫn buồn cười". Vừa nói, thân hình gày gò vừa trải qua phẫu thuật của Trung lại rung lên theo tiếng cười vui vẻ. Khuôn mặt nhỏ cùng cặp kính to màu đen trở nên "sinh động" nhờ nụ cười tươi.
Thức dậy từ 3h sáng, Trung lục đục cắm hai nồi cơm to để kịp chín. 4h, cậu cùng hai người bạn gái ra chợ Ngã Tư Sở mua đồ về nấu. Mỗi người chịu trách nhiệm một khâu, riêng Trung nhận phần nấu ăn. Ngày còn học ở nước ngoài, cậu thường xuyên phải nấu cơm nên công việc này với Trung là bình thường.
Trước đó, cả ba cùng lên thực đơn và liệt kê xem cần mua thứ gì, số lượng bao nhiêu khi chỉ có 2 triệu đồng. Không có tiền mua bếp gas, Trung dùng tạm 4 bếp than được một chị ủng hộ. Hôm Trung nhờ bạn lấy ôtô xịn chở bếp than, bát đũa đến, ai cũng phì cười vì không ngờ một thiếu gia như Trung lại "đồng nát" đến thế. Để tiết kiệm, Trung còn định mang than từ dưới quê Quảng Ninh lên.
Hôm đầu may nhờ có bà hàng xóm quen dùng bếp lò nhóm giúp, nếu không ba người loay hoay mãi không nổi lửa lên được. Bữa cơm đầu tiên có 67 suất gồm các món: trứng rán, canh rau ngót, thịt gà, lợn kho và đậu rán. Loay hoay mãi tới tận 10h30 mới xong. Trước khi mang cơm đến viện, một người được phân công đến phát phiếu ăn cho người bệnh.
Nhiều bệnh nhân và người nhà quen đồ ăn ở quán của Trung cứ tới thứ bảy, chủ nhật lại ra xếp hàng mua cơm. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhắc đến kỷ niệm bán cơm, Trung cho biết, lần đầu thấy rất ngại khi 3 người ôm thùng xốp to đứng trước cổng viện trước ánh mắt nhìn tò mò, lạ lẫm của mọi người. "Quan trọng nhất là vượt qua được cái Tôi. Một thanh niên ăn mặc sạch đẹp đứng ôm thùng xốp dán tờ giấy in chữ bán cơm có ngượng không? Tuy nhiên lúc nhìn thấy bệnh nhân chạy ra lấy cơm, cảm giác ấy không còn nữa", Trung nói.
Suốt những ngày bán cơm ở cổng Bệnh viện Nhi, hình ảnh bệnh nhân nghèo khổ và nụ cười hạnh phúc của họ khi nhận hộp cơm giá rẻ hay những âu cháo miễn phí nhưng đủ chất khiến Trung nhớ mãi. Có lần, một phụ nữ dân tộc mang phiếu cơm đến nhưng không có tiền mua. Trung liền xới cơm và gắp đồ ăn vào hộp biếu hai mẹ con. Lần khác, chứng kiến bà cụ 80 tuổi lập cập đi mua cơm, Trung lại chạnh lòng xót xa nhớ tới bà mình ở quê.
Dù mưa hay nắng, cứ thứ 7, chủ nhật hàng tuần, quán cơm di động của Trung lại đều đặn xuất hiện. Có hôm mưa bão, Trung và nhóm bạn vẫn mang cơm đến. Tới nơi thấy bệnh nhân và người nhà đang đứng đợi, cả nhóm cảm động rơi nước mắt.
"Cảm giác khó tả lắm. Chỉ biết rằng em thấy hạnh phúc. Nhiều người khổ quá", cậu thanh niên 24 tuổi tâm sự.
Hai tháng bán cơm ở cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, quán cơm của Trung bị bệnh viện đuổi với lý do "căng tin không bán được hàng". Cơm, canh đã chuẩn bị sẵn mà không được bán, Trung ức phát khóc. Đến giờ mua cơm không thấy xe đến, bệnh nhân nhắn tin, gọi điện tới hỏi thăm. Tin nhắn nghi ngờ nhóm lừa đảo khiến Trung thấy đau đớn, cảm giác mình phụ lòng của những người nghèo khổ.

Bệnh nhân xếp hàng mua cơm 5.000 đồng dưới trời nắng nóng. Ảnh: Hoàng Hà.
Không được bán ở Bệnh viện Nhi, Trung chở cơm sang bán ở Bệnh viện Thanh Nhàn và sau đó là phát miễn phí ở Bệnh viện K. Thời điểm đó, nhóm nấu cơm của Trung đã phát triển rộng với nhiều thành viên tham gia. "Ông chủ" trẻ phải phân công các bạn làm theo ca, ca sáng chịu trách nhiệm nấu, ca sau dọn dẹp và "phục vụ" lại các bạn đi làm buổi sáng. Dựa vào đơn đăng ký ghi rõ khả năng làm được việc gì, Trung sẽ chốt lịch hàng tuần và sắp xếp các tình nguyện viên tham gia.
Mọi công việc đều do Trung tự tay lên kế hoạch lo liệu rồi vào bếp nấu. Cậu bảo, chưa yên tâm giao cho ai đó đỡ đần công việc. Đợt Trung phải nằm viện vì phẫu thuật khối u, bạn bè quen trên Facebook khi biết công việc của cậu tìm đến bệnh viện thăm.
"Có đôi vợ chồng trung tuổi ở Hà Nội đến thăm em. Hai bác nói một câu khiến em thấy mình phải bình phục nhanh để còn tiếp tục công việc giang dở. Bác ấy dặn: 'Cháu hãy cố gắng ăn uống để có sức khỏe. Còn nhiều người vẫn đang chờ cháu giúp đỡ", Trung kể lại.
Đến giờ người thân, bạn bè và bản thân Trung vẫn bất ngờ khi cậu bỗng dưng thay đổi không ngờ. Trung thừa nhận, trước đây rất "chơi bời". Thú vui lớn nhất của cậu là mua sắm và đi du lịch. Mỗi lần đi shopping, cậu không tiếc tiền nhưng giờ, mỗi lần định mua cái áo, đôi giày hàng hiệu, cậu lại tiếc rẻ nghĩ số tiền ấy có thể nấu được bao nhiêu suất cơm cho người nghèo.
Mới đây, Trung cùng nhóm tình nguyện của mình tới tặng quần áo mới, sách vở cho các em nhỏ làng chài Vông Viêng (Hạ Long). Ảnh: NVCC.
"Không ai nghĩ em thay đổi như vậy. Bản thân em cũng không hiểu và chỉ cảm thấy mình bớt bồng bột, điềm đạm hơn và vui khi nhìn thấy nụ cười của những người nghèo khổ em giúp", Trung chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình có điều kiện ở Quảng Ninh, sau một thời gian "bươn chải" ở Hà Nội, Trung về tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Cậu tâm sự, trước đây chỉ mong có nhiều tiền để làm từ thiện còn giờ chỉ ước có nhiều thời gian để đi được nhiều nơi. Năm học mới này, cậu cùng nhóm tình nguyện đi tặng sách vở và quần áo cho các em nhỏ ở làng chài Vông Viêng (Quảng Ninh). Mới đây, cậu cũng lên tận Lào Cai để chia sẻ với người dân nghèo. Trung thu tới, cậu cũng có kế hoạch tổ chức vui chơi cho trẻ nhỏ.
Biết công việc này của Trung, bố mẹ và người thân ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất. Trung sợ nhất nước mắt của mẹ và chính bà lý do để cậu "quay đầu"... Nói đến dự định tương lai, cậu ước sẽ mở được quán ăn giá rẻ bán cơm một tuần ba buổi cho người nghèo, riêng thứ 7 sẽ phát cơm miễn phí ở bệnh viện. Trong thâm tâm, cậu vẫn áy náy vì không được đưa cơm tới Bệnh viện Nhi.
Bình Minh

Trẻ mồ côi ăn 'nhà hàng' hai lần một tuần

Chiều đến, thấy bóng các anh, chị học sinh mang đồ ăn tới, các em nhỏ ở làng trẻ Hòa Bình (Hà Nội) lại vui mừng chạy ra đón. Các cô cậu ăn ngấu nghiến các món vừa quyên được từ nhà hàng, khách sạn trong thành phố.

 

 


Thảo tới cửa hàng thu gom bánh sandwich. Ảnh: Bình Minh.
14h chiều thứ 7, Thảo (lớp 11 chuyên Anh 2, THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội) lại đến tiệm bánh quen thuộc nhận những chiếc sandwich đã được đóng cẩn thận trong túi giấy. Treo đủ 20 túi bánh lên ghi đông xe đạp, cô nàng phóng nhanh tới địa điểm khác, nơi có các bạn trong nhóm đang đợi lấy đồ ăn.
Công việc đi thu gom thức ăn đã quen thuộc với nhóm Thảo suốt 3 tuần qua. Kể từ lúc bắt tay làm dự án mang đồ ăn tới trẻ em khuyết tật, nữ sinh chuyên Anh thấy mình trưởng thành, thêm trân trọng cuộc sống và sự sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh.
* Clip: Học sinh cấp 3 đi xin đồ ăn cho trẻ mồ côi
Cuối tháng 9, nhóm Spotlight của Thảo gồm 3 học sinh chuyên ĐH Sư phạm và 3 bạn đến từ THPT chuyên Hà Nội Amsterdam nộp đơn tham dự cuộc thi lập dự án ngân hàng thức ăn do một tổ chức phi lợi nhuận phát động cho học sinh trung học. Mô hình ngân hàng thức ăn rất phổ biến ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam, điều này vẫn còn mới mẻ.
Nhận thấy hầu hết các nhà hàng và tiệm bánh dư ra lượng lớn đồ ăn chưa sử dụng vào cuối ngày, Thảo cùng các bạn lập kế hoạch đi xin. Mô hình đưa ra cho các nhóm dự thi giống nhau, chỉ khác ở đối tượng hướng đến. Trong khi các nhóm khác chọn bệnh viện và trung tâm dành cho người HIV/AIDS, nhóm Thảo chọn làng trẻ Hòa Bình với 150 em khuyết tật cùng người già neo đơn.
Trước khi chọn địa điểm trên, nhóm đã đi thực tế và chứng kiến bữa ăn đạm bạc hàng ngày của các em nhỏ chỉ có hai miếng giò cùng bát canh. Bữa cơm nhàm chán khiến nhiều em không muốn ăn, thậm chí khóc thét mỗi khi bị bắt ngồi vào bàn. Điều này càng khiến các học sinh thêm quyết tâm đi xin đồ ăn.
Sau khi đi lấy đồ ăn từ các nhà hàng, tiệm bánh, các nhóm sẽ tập hợp để kiểm tra trước khi mang tới làng trẻ Hòa Bình. Ảnh: Bình Minh.
Trực tiếp đi xin nhà tài trợ, các thành viên trong nhóm của Thảo được trải nghiệm cảm giác ngượng ngùng, xấu hổ khi bị đuổi và tủi thân lúc bị từ chối. Mới đầu, cả nhóm 6 người phân công từng đôi một tới các nhà hàng "đặt vấn đề" nhưng ngay khi thấy các bạn trẻ nhắc tới cụm từ "đồ ăn thừa", người quản lý ở đó đã xua đuổi vì cho rằng lấy thức ăn thừa đem cho người khác là "không nhân đạo".
Chưa kịp giải thích, Thảo và cô bạn Phương Anh đã bị tống ra ngoài. Ở nơi khác, không bị đuổi nhưng hai cô gái nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm vì "mặt non choẹt, ý tưởng mơ hồ và vớ vẩn như trò đùa của trẻ con".
"Bản thân chúng em ban đầu cũng chưa hiểu đúng thức ăn thừa là thế nào nhưng sau tìm hiểu mới rõ đó là những đồ ăn chưa dùng tới. Cuối ngày, nhà hàng hoặc tiệm bánh sẽ đổ đồ không bán hết đi. Chúng em tới xin và mang về cho trẻ em nghèo", Thảo giải thích.
Sau những lần "tay không" đi xin và bị đuổi, các thành viên trong nhóm rút kinh nghiệm rồi bắt đầu trình bày ý tưởng ra giấy, in thư mời tài trợ gửi cho các nhà hàng hay xin số liên lạc để đặt lịch hẹn. Suốt hai tuần đầu, cả nhóm gọi điện tới hơn 40 địa chỉ và trực tiếp đến các nhà hàng tiệm bánh trong thành phố nhưng chỉ nhận được lời từ chối.
Nhớ lại thời điểm khởi đầu ấy, cô học trò đeo kính cận hiền lành kể: "Thời gian đó, chiều nào nhóm cũng chia thành từng cặp đi xin. Học buổi sáng xong, buổi trưa chúng em ăn qua loa rồi đi xe đạp, thậm chí cuốc bộ tới các nhà hàng, quán ăn".
Để dễ dàng bắt chuyện với quản lý, mỗi khi tới tiệm bánh nào, Thảo và Phương Anh lại bỏ tiền túi ra mua một món đồ rồi sau đó mới lôi bản kế hoạch ra trình bày với chủ quán. Một buổi chiều, hai cô nàng "ghé thăm" hàng chục nhà hàng, tiệm bánh để đổi lấy lời hẹn "xem xét". Lắm hôm, khi ra về cả hai chẳng còn đồng nào trong túi.
Phương Anh cho biết thêm, "lộ phí" này là tiền tiết kiệm ăn sáng, tiêu vặt, lắm khi lấy cả tiền mừng tuổi ra dùng. Kiên trì suốt hai tuần không kết quả trong khi ngày thuyết trình dự án sắp tới, cả nhóm bắt đầu uể oải. Đang trong lúc chán nản, nhóm nhận được lời đồng ý hẹn của một nhà hàng.
"Chúng em mừng quýnh và hét lên sung sướng. Mọi người bàn nhau xem hôm gặp họ nên mặc gì cho lịch sự. Chúng em còn lựa chọn xem bạn nào trong nhóm có khuôn mặt người lớn, giọng nói không choe chóe. Trước khi đi, cùng phải luyện tập nói chuyện và thể hiện sao cho khéo léo", Phương Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, hôm có lịch hẹn thì các thành viên trong nhóm đều có việc bận nên phải hoãn đến hôm khác. Hôm ấy đến thì người hẹn lại bận họp và đi vắng khiến ai cũng thất vọng. Theo Phương Anh, họ từ chối vì không tin và chưa hiểu mục đích dự án. Nhiều nơi đồng ý cho đồ ăn thừa nhưng lại lo ngại nhóm bảo quản không tốt, khi đến tay người dùng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, ảnh hưởng uy tín nhà hàng.
Khắc phục nhược điểm ấy, nhóm tuyển thêm tình nguyện viên phụ trách mảng an toàn thực phẩm là sinh viên ngành thực phẩm và các anh chị có kinh nghiệm quản lý nhà hàng, siêu thị. Những tình nguyện viên này có trách nhiệm kiểm tra chất lượng đồ ăn sau khi lấy từ nhà hàng xem còn dùng được nữa không. Sáng kiến ấy trở thành điểm mạnh trong bản dự án của nhóm Thảo.
Hiện tại, đã có hơn 5 địa chỉ nhận hỗ trợ đồ ăn cho dự án của Spotlight. Ngoài bánh ngọt, trong bữa ăn của các em giờ có thêm đồ ăn nhanh, bún cùng nhiều loại thực phẩm khác. Mỗi thứ 4 và thứ 7 hàng tuần, thấy bóng các anh, chị mang đồ ăn tới, các em nhỏ lại vui mừng chạy ra đón.

Các tình nguyện viên cùng chung tay phân loại thức ăn xin được. Ảnh: Bình Minh.
Thảo cho hay, so với các nhóm khác, dự án của Spotlight ấn tượng vì mang tính dài hơi, có ban kiểm tra thực phẩm và thức ăn đa dạng. Bận rộn với lịch học ở trường và sắp thi đại học, nhóm hướng tới là cầu nối giữa các nhà hàng và làng trẻ Hòa Bình. Những lúc các bạn trẻ bận không đi lấy đồ ăn được, người ở làng trẻ sẽ tới địa điểm hỗ trợ thức ăn để chuyển về.
Trước khi đến với cuộc thi, 6 thành viên của Spotlight nghĩ tham gia cho vui và cốt để học cách điều hành dự án. Tuy nhiên, càng về sau các bạn trẻ nhận thấy việc chiến thắng cuộc thi hay không không còn quan trọng.
Thảo và Phương Anh thừa nhận, thời gian đầu việc đi xin đồ ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập. Sáng đi học, chiều đi xin, tối về cả nhóm họp qua mạng. Nhiều hôm đến lớp, mệt mỏi và buồn ngủ, các thành viên gục xuống bàn. Tranh thủ giờ ra chơi, các bạn trẻ lại túm tụm bàn bạc.
Bố mẹ Thảo không những ủng hộ về tinh thần mà cả vật chất cho con gái. Một số bạn trong nhóm mãi tới khi dự án "xuôi chèo" mới dám tiết lộ với phụ huynh. Công việc này càng khiến các bạn trẻ thêm trân trọng mỗi bữa ăn của mình. "Trước đây, ở nhà hoặc ra ngoài ăn, em toàn để thừa. Đi ăn buffet cũng lấy nhiều, không ăn hết lại bỏ đi, nhưng từ lúc làm dự án em chẳng dám hoang phí đồ ăn nữa", Thảo tâm sự.
Bình Minh
The VNExpress.net

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Bài thơ bất hủ về cuộc sống

!!!
Dù đục dù trong ,con sông vẫn chảy
Dù cao dù thấp ,cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Đều phải sống từ những điều rất nhỏ
Ta hay chê cuộc đời méo mó
Tại sao ta không tròn tự trong tâm
Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy nầm
Nhưng chồi tự vươn mình tìm ánh sáng
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Có thể nào ta nhận ra ta
Ai trong đời đều có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy
Hạnh phúc ,cũng như cuộc đời này vậy
Không chi dành cho một, riêng ai.
ST.

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Từ đáy xã hội thành người giàu nhất Trung Quốc

42 tuổi vẫn còn nghèo rớt, nhưng 20 năm sau Zong Qinghou trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản trị giá hơn 20 tỷ USD. 

20 năm trước, khi Zong Qinghou 42 tuổi, ông thuộc dạng nghèo "rớt mồng tơi" và xoay xở kiếm sống bằng cách bán nước ngọt, kem que ở các cổng trường. Thời gian đó, ông kiếm được khoảng 8 USD một tháng, thấp hơn cả mức lương của một phần ba dân số Trung Quốc. Thường xuyên cháy túi đến nỗi có lần ông phải ngủ bờ ngủ bụi vì không có tiền thuê nhà trọ.
Thế nhưng ngày nay khi đã 67 tuổi, Zong đã thành doanh nhân thành đạt, ông trùm ngành nước giải khát và là người giàu nhất tại Trung Quốc đại lục. Tính đến tháng 10 này, tài sản của ông được Bloomberg định giá ở 20,1 tỷ USD, giàu thứ 30 thế giới.
Zong Qinghou
Zong Qinghou và con gái Kelly Zong, người sẽ thừa kế gia sản của Zong trong tương lai. Ảnh: AP
Ngay cả tại một đất nước vừa trải qua thời kỳ tăng trưởng bùng nổ, thì câu chuyện từ trắng tay thành giàu cự vạn như của Zong cũng được xem là kỳ tích.
Sinh năm 1945, thời trẻ của Zong trôi qua chủ yếu trên cánh đồng và không có nổi tấm bằng trung học. "Trong một thời gian dài, tôi thường xuyên thiếu tiền mua cái ăn thứ mặc. Có thể nói tôi đã từ dưới đáy xã hội ngoi lên", Zong nói khi hồi tưởng về thời trẻ của mình.
Zong Qinghou cũng đã chứng kiến Cuộc Cách mạng Văn hóa dưới Mao Trạch Đông và dành nhiều thời gian nghiền ngẫm những quyển sách dạy cách cam chịu vượt qua khủng hoảng. Đến khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và đẩy mạnh kinh tế thị trường, Zong Qinghou cho rằng đã đến lúc làm giàu. Năm 1987, ông vay 22.000 USD từ họ hàng và cùng hai cộng sự mở một cửa hàng rau quả. Đây là bước khởi đầu của Zong để thành lập công ty Wahaha, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đồ uống sau này. Trong năm đầu tiên, Zong thu về khoản lợi nhuận 15.991 USD, gấp 50 lần thu nhập bình quân đầu người thời gian đó.
Việc kinh doanh của ông ngày càng phát đạt trong hai thập kỷ rưỡi tiếp theo, vào thời kỳ Trung Quốc tăng trưởng phi mã với tốc độ GDP mở rộng trên 10% mỗi năm. Công ty Wahaha của ông Zong đã thu hút lượng khách lớn nhờ việc tầng lớp nghèo ngày càng khấm khá.
Tỷ phú
Người giàu nhất Trung Quốc vẫn giữ phong cách giản dị do thói quen từ thời còn khốn khó. Ảnh: Bloomberg
Năm ngoái, Wahaha có doanh thu 11 tỷ USD, chiếm thị phần thứ 3 về đồ uống tại Trung Quốc, đứng sau Coca-Cola và thương hiệu Tingyi của Hong Kong. Zong dự đoán lợi nhuận sẽ còn tăng trưởng 60% trong năm nay. Hiện Zong, vợ và con gái nắm giữ 80% cổ phần của công ty.
Giờ đây khi làm chủ tịch của tập đoàn nước giải khát Wahaha, Zong vẫn duy trì phong cách đạm bạc và nhất quán. Ông thường ngủ nghỉ tại trụ sở chính của công ty đặt tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Triết Giang. Mỗi buổi trưa, ông xuống căng tin dưới tầng một để dùng bữa, chọn món ăn như các công nhân của mình.
Người đi đường nếu không biết mặt Zong Qinghou thường không liếc ông đến lần thứ 2 vì tỷ phú giàu nhất Trung Quốc chẳng có gì nổi bật. Không bao giờ có vệ sĩ, ông thường ra ngoài với một chiếc áo khoác màu tối, đi giày da trơn, tất cả đều là hàng nội địa. Zong Qinghou chỉ mua giày mới khi ai đó nhắc rằng giày mình đã cũ. Thứ xa xỉ nhất trên người vị doanh nhân này là chiếc đồng hồ Vacheron Constantin giá 48.000 USD, ông mua để thay chiếc Rolex cũ. "Nhiều người bảo tôi rằng Rolex chỉ dành cho nhà giàu mới nổi", ông cười cho biết.
"Khi còn nghèo, tôi luôn phải tìm cách vươn lên. Những kinh nghiệm đó giờ đây vẫn còn giúp ích tôi rất nhiều", ông chia sẻ với tờ Bloomberg.
Anh Đức