Bài chia sẻ rất hay của Phạm Hùng Thắng, CEO Vitot Seafood - Vua Hải Sản Sạch & Cá Mực Một Nắng
Khi còn là sinh viên, hãy coi tự kiếm được 50 triệu mới là mục tiêu phấn đấu.
Nếu như giấc mơ đạt được mục tiêu giàu có với những người trưởng thành được tính bằng tiền tỉ thì với sinh viên chỉ cần từ 30 đến 100 triệu.
Nhìn vào con số đó thật sự không hề nhỏ, nhưng nó cũng chẳng hề lớn. Nó cũng chỉ giống như mục tiêu của chúng tôi chính thức khi ra trường phải phấn đấu mua nhà ở Hà Nội với cái giá gần 2 tỉ đồng sau 10 năm thôi.
Các bạn có từ 3 đến 5 năm sinh viên, nếu không kiếm được 50 triệu trước khi ra trường là quá kém.
Đừng nói mục tiêu của sinh viên là học.
Thời đại này khác rồi, tất cả các sinh viên như chúng tôi sau này ra trường lập tức có ngay công an việc làm ổn định cũng như tự lập thân hay có cho mình nhiều lựa chọn nghề nghiệp đó chính là nhờ việc chúng tôi biết kiếm tiền và sẵn sàng đi làm thuê không công từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai.
Hãy nói cho bố mẹ các bạn biết điều đó và thêm nữa.
Rằng: "Học giỏi, giỏi tới tới mức có học bổng cũng chưa chắc đã cho bạn được công việc như ý muốn đâu.
Đã có quá nhiều các bạn trẻ học xong ra trường thất nghiệp vì học giỏi nhưng thiếu thực tế.
Tất cả đều cần có sự khởi đầu.
Và khởi đầu của công việc, sự nghiệp là kinh nghiệm, thực hành thực tế và những mối quan hệ chứ không phải chỉ là cắm đầu vào học cho thật giỏi".
Nếu bạn giỏi thật sự xuất sắc bạn sẽ có học bổng du học, cuộc đời sẽ rạng ngời.
Đôi khi các doanh nghiệp sử dụng hình thức kết nối tuyển dụng cũng sẽ tuyển những người giỏi như thế này nhưng chưa biết liệu rằng cô ấy/cậu ấy sẽ năng động, nhiệt huyết và ham mê học hỏi hay lại trầm ngâm đến mức tự kỷ như mấy kẻ mọt sách?
Và đặc biệt là nếu xét theo bình quân thì 10.000 chỉ có không đến 10 người thành công theo diện đó, vậy còn 9990 trên tổng số cả vài triệu sinh viên thì sao?
Trong khi không phải cứ là thiên tài bạn mới được trở thành sinh viên, sinh viên được định nghĩa kể từ bằng trung cấp trở lên thậm chí là chỉ học chuyên nghiệp ở một số trường hiện nay.
Chẳng lẽ 90% sinh viên còn lại cứ phải chạy đua với nhau như hình ảnh hàng triệu con tinh trùng cùng lao về một hướng để rồi một con thành công rực rỡ rồi số còn lại chết yểu hay sao?
Thực tế cuộc sống là cần phải sống rồi từng bước đi lên chứ nó không thật sự đến mức tàn khốc và loại bỏ hoàn toàn như khi chúng ta được thụ thai.
Cuộc đời này nếu như cái gì không thể làm được hoàn hảo thì hãy giữ nó ở mức vừa đủ rồi tập trung thật mạnh vào cái khác mình có thể làm giỏi nhất.
Đó chính là tư duy của ma trận Boston mà các bạn nên tìm kiếm, đọc và tìm hiểu.
Với mình việc học Đại Học không bao giờ là khó khăn cả. Với tố chất đã thi được vào Đại Học, Cao Đẳng, thậm chí là Trung cấp thì bạn hãy cố gắng học nó sao cho nhàn nhất.
Nếu bạn biết rằng mình không thể học giỏi tới mức đạt học bổng du học thì cũng chỉ cần là khá hoặc giỏi vừa đủ thôi và phải thật giỏi những môn chuyên ngành của mình.
Đi làm thuê, tất nhiên phải đi làm thuê ngay từ năm thứ nhất.
Bởi chỉ có đi làm thuê mới cho bạn tiền, kinh nghiệm, các mối quan hệ, vấp ngã và trải nghiệm về nghề nghiệp, sự nghiệp làm hành trang cho tương lai.
Bố mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi để làm giỏi rồi kiếm tiền giỏi, ổn định và có sự nghiệp vững vàng.
Thực tế bố mẹ nên dạy cho con mục tiêu giàu có, kiếm tiền giỏi, ổn định và có sự nghiệp vững vàng rồi hỏi con sẽ làm gì để đạt được điều đó.
Mỗi đứa trẻ chúng sẽ tự động não và trả lời theo cách của chúng. Nhiệm vụ của bố mẹ là hãy hỏi con từ khi con bắt đầu sang lớp 2.
Những tư duy, hướng đi, định vị và đam mê của con sẽ rõ ràng hơn rất nhiều.
Sau này con cái vào đại học cũng hãy hỏi con câu đó và đặt mục tiêu giàu có cho con sẽ tốt hơn là mục tiêu học giỏi.
Cha mẹ thường so sánh con cái với người khác về cái sự học nhưng thật ra không đúng.
Vì lẽ thường các cha mẹ sẽ so sánh:
"Đấy con nhà ông A nó học giỏi giờ lấy được cả bằng thạc sỹ kia kìa".
Nhưng đến chính những bố mẹ ở Việt Nam hoặc họ là những người đi học chưa đủ nên quanh đời mơ ước được đi học, được học cao hoặc họ luôn nghĩ rằng học cao là con đường duy nhất để làm giàu.
Đáng thương thay có những gia đình bố mẹ rất giàu, bố xưa học chưa hết cấp 3, mẹ học chưa hết cấp 2 thấy cuộc đời mình để có được sự nghiệp hôm nay khổ sở, vất vả quá và một phần khác lại là do may mắn.
Nên tin rằng: "Con cái cứ phải học đại học, học thật giỏi thì sau này mới giàu nhanh không khổ như bố mẹ".
Nhưng cha mẹ đâu biết rằng:
"Học đại học dẫu có giỏi cũng không chắc đã xin được việc, mà dù có ép thì con cũng không thể giỏi xuất xắc như bọn thần đồng nó thể hiện tố chất từ khi còn học cấp 1 được".
Đáng lẽ ra ngay sau khi học cấp 1, cấp 2 bố mẹ nên xem lại năng lực, tư duy của con mình để định hướng lại cho con, cùng con vẽ ra các chiến lược cuộc đời thật thông thái để tìm ra giải pháp về sự nghiệp, công việc và tiền bạc sau này sẽ tốt hơn rất nhiều.
Không có nghĩa là bắt con phải bỏ học nếu con học dốt, mà hãy cho con một mục tiêu, tâm sự để con thấy thế giới ngoài kia cần mơ ước và thực hiện ước mơ đó từng bước như thế nào.
Hãy cùng con vẽ chứ đừng vẽ cho con.
Thật sự thì tất cả bố mẹ đều phải đọc nhiều mà học cách dạy con, cùng con vẽ chiến lược cuộc đời.
Một khi bố mẹ đã là những lãnh đạo giỏi có tri thức trong một tập thể gia đình thì cái sự lãnh đạo của bố mẹ cũng tinh tế, đúng hướng và nhàn hơn vô cùng nhiều giống như một doanh nghiệp.
Giao việc, giao trách nhiệm, gợi ý ước mơ, cùng con tìm mục tiêu, lắng nghe ý kiến của con rồi liên tục tạo động lực cho con đạt được.
Khi con còn bé là những gói bim bim, lớn hơn là tấm quần tấm áo, lớn hơn cả là những chuyến du lịch cùng gia đình hay cùng bạn bè để khích lệ nếu con đạt được.
Bố mẹ thiếu học phải vất vả để giàu, thì dù con cái học giỏi vẫn thậm chí phải lật đật nhiều hơn nếu chỉ lao đầu vào học mà thiếu thực tế.
Ra trường chỉ cần nói 3 năm sinh viên em đã từng làm việc này hoặc việc này, và bằng của con là khá người ta sẽ cân nhắc nghiêng về phần sẽ nhận con.
Nếu con đã từng làm việc ở các công ty có tiếng và bằng của con là trung bình hoặc chưa có bằng họ sẽ lập tức nhận con.
Nhưng nếu con nói con có bằng giỏi nhưng chưa đi làm ở đâu bao giờ hoặc chỉ làm gia sư thì họ sẽ lưỡng lự và xếp riêng hồ sơ của con vào một góc bao giờ không tìm nổi nhân sự trong 100 đến 1000 hồ sơ bên phía tay phải thì họ mới nhặt tiếp 10 hồ sơ của những đứa như con ở bên tay trái.
Doanh nghiệp ngày nay cần thực tế, họ không cần bằng giỏi. Họ cần nghề giỏi chứ không cần học giỏi mà thiếu kinh nghiệm về nghề.
4, 5 năm trời con lao đầu vào học nếu không có sự khởi đầu của làm thuê thì dù có bằng giỏi con vẫn lãng phí suốt những năm tháng đó của cuộc đời.
Con sẽ lại phải ra trường bắt đầu lại từ đầu như nhiều bạn bè của chúng con đã đi làm từ năm thứ nhất. Và 4, 5 năm sau họ mới thật sự công nhận tấm bằng của con tương xứng với năng lực thực tế.
Nhưng hỡi ôi, sau 4, 5 năm cống hiến cật lực đấy khi đi xin việc lại cũng chẳng ai buồn nhìn cái bằng của con là giỏi hay dốt cả, thậm chí chỉ cần có bằng trung cấp mà con làm được bài test họ đưa ra, có hồ sơ năng lực từng làm 2,3 nơi và hỏi gì đáp được nấy, nói năng lưu loát là họ cũng đã nhận con ngay rồi.
Còn nếu không, bố mẹ thử đi học lại đi?
Thử bắt đầu sự nghiệp lại đi?
Rồi bố mẹ sẽ thấy thời đại này người ta luôn chỉ nhận hồ sơ của những người có kinh nghiệm chứ họ không buồn quan tâm tới bằng cấp của con đâu.
Đất nước tạo ra những con người thiếu thực tế có lẽ nào là từ gia đình, trường học rồi tới cả những lãnh đạo thiếu thực tế?
Người lớn cần nhớ rằng: "Tư duy và tố chất của con không phải giỏi xuất sắc thì dù con có cố cả đời cũng không bao giờ được giỏi xuất sắc.
Và ngoài ra kết quả học tập chỉ thể hiện được tư duy của con trong góc độ tổng hợp.
Con rất giỏi vẽ, năng khiếu tính toán của con chỉ cần tập trung để giỏi hơn, và trung bình các môn còn lại, con vẫn có thể trở thành kiến trúc sư sau nhiều năm kinh nghiệm và cố gắng tập trung duy nhất vào nghề của mình.
Đừng bắt con phải học tất cả các môn đều giỏi, có bằng giỏi nhưng suốt 10 năm cuộc đời vẫn chẳng tìm ra được mình sẽ trở thành ai, là người như thế nào?"
Đó là điều những người làm bố làm mẹ hay thày cô hiện nay nên hiểu, biết đánh giá và định vị cho con cái từ khi còn bé.
Còn đối với chính các bạn sinh viên, chủ nhân của đất nước thì sao?
Mục tiêu của các bạn nếu sau cấp hai xác định mình giỏi được thì sẽ phải tiếp tục học thật giỏi xuất xắc. Còn nếu học không thể giỏi được thì tuỳ mức độ mà đặt mục tiêu trung cấp, cao đẳng hay đại học không sao cả.
Dù sao trước khi tốt nghiệp cấp 3 vẫn phải cố gắng hết sức lực cho con đường học tập mà đừng nguỵ biện về việc tư duy giỏi, dốt hay giàu nghèo, bận rộn.
Khi đó cha mẹ nào cũng vẫn bao bọc cho con và cố gắng hết sức mình nuôi con ăn học dù nghèo tới mức nào họ cũng cố gắng được.
Mà đúng theo tiêu chí nuôi con đến năm 18 tuổi của các nước phương Tây thì họ cũng chỉ làm được đến mức như thế thôi.
Hãy nhớ rằng các bạn trẻ phương tây trong những năm học phổ thông vẫn đi làm partime rất nhiều không hề ít.
Thế nên nhiệm vụ lúc đó của các bạn là buộc phải học để không vào được Đại Học cũng có thể kiếm được cho mình cái bằng cao đẳng hoặc trung cấp sau này sẽ thuận lợi hơn về sự nghiệp ở Việt Nam.
Còn đừng nói là nhà em nghèo nên em phải thế này, thế kia không thể học tốt hơn được. Nguỵ biện, vì tôi đã từng đạp xích lô để sống, lấy tiền đi học và tôi cũng chỉ 12 năm tiên tiến, bằng trung bình khá cao đẳng CNTT Đại học Hàng Hải, bằng thứ 2 mới là đại học của Viện Đại Học Mở.
Hãy nhìn xem có những bạn trẻ còn nghèo hơn, thiếu thốn hơn vẫn có thể học giỏi kia kìa, ngừng đổ lỗi cho số phận.
Nhưng sau khi đã lên trung cấp, cao đẳng, hay đại học nếu giỏi xuất sắc chắc chắn đủ sức giật học bổng đi nước ngoài thì lao đầu vào mà học, có làm thêm nhưng ít thôi, nhớ tham gia các hoạt động tình nguyện và xã hội bởi học bổng nước ngoài họ luôn yêu cầu hai điều đó.
Còn nếu không xác định sẽ làm được như vậy thì hãy làm nhiều lên và học vừa đủ. Học nhiều hay làm nhiều thì cũng vẫn phải đảm bảo ít nhất cái bằng trung bình khá trở lên.
Đừng để không lấy được bằng sau này cũng sẽ khá vất vả ở môi trường Việt Nam này.
Nếu xác định được mình làm việc tốt quá, đam mê quá, cơ hội cao quá thì chỉ cần cái bằng trung bình là được rồi không cần cứ phải bằng giỏi.
Hãy nhớ: "Học giỏi không phải con đường duy nhất để có việc làm.
Và thiếu mọi thứ mà chỉ có duy nhất bằng giỏi thì vẫn thất nghiệp trừ phi bạn có tiền bạc, quan hệ, ô dù.
Thật ra thì sau đó bạn làm việc không tốt, thiếu thực tế và năng lực cũng vẫn tiền mất tật mang".
Đó chính là sự cân bằng giữa sự nghiệp và học tập.
Còn về năng lực làm việc,
Bạn chỉ cần hiểu rằng sau khi học xong thì vài chục năm tiếp theo cho đến cuối đời bạn phải và buộc phải làm việc để sống.
Và sự giàu sang của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực làm việc của bạn.
Chi bằng tại sao ta không chuẩn bị năng lực cốt lõi đó từ khi còn là sinh viên?
Và hãy nhớ đây, vừa học vừa làm thì cũng phải làm cho tốt, cho thông minh, đam mê và nhiệt huyết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét