Giới thiệu về blog

Đây là blog của gia đình Văn Tác và Mai Trâm, được thiết lập nhằm mục đích lưu lại những kỷ niệm đẹp trong đời sống của gia đình bé nhỏ Văn-Mai. Ngoài những hình ảnh và video, blog còn chứa đựng của hồi môn dành riêng cho 3 cô công chúa nhỏ: Mẫn Châu - Hải Ngân và Ái Thi. Của hồi môn này là tập hợp những bài viết hay, có tính nhân văn cao mà Văn Tác đã sưu tầm trong suốt cuộc đời của mình.....

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Mẹ dạy tôi làm người


Cuộc đời đầy nước mắt và sự chịu đựng kiên cường của người mẹ là những bài học đắt giá cho chị em tôi.
Mẹ tôi nay đã ngoài 60 tuổi. Lúc còn trẻ, mẹ từng phải chịu đựng nhiều đau khổ bởi tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ cổ hủ. Mẹ sinh toàn con gái khiến bà nội không hài lòng. Bà thường xuyên cằn nhằn, chì chiết mẹ.

Sự nhẫn nại của nàng dâu
Hàng ngày, khi đi làm đồng về, mẹ lao vào giặt giũ, cơm nước, chăm sóc con cái và hầu hạ mẹ chồng. Trong lúc đó, các cô không ai phải làm công việc đồng áng. Nói đúng hơn, họ chẳng nhúng tay vào bất cứ công việc gì. Một mình mẹ phải nhẫn nại gánh vác tất cả.
Về sau, khi gia đình tôi ra ở riêng, cha đảm nhận phần chăm sóc bà. Vì cha đi làm xa, mọi công việc nhà, việc đồng áng đều do một tay mẹ quán xuyến. Cũng năm đó, bà nội tôi ốm nặng, nằm liệt giường khiến đôi vai mẹ càng oằn thêm bởi gánh nặng gia đình. Vậy mà tôi chưa từng nghe mẹ ca thán một lời.
Khi chị em tôi khôn lớn, mẹ chưa kịp thở ra nhẹ nhõm đã vội gánh thêm nỗi lo học phí cho các con. Để giảm bớt gánh nặng cho mẹ, cha bàn tính để chị cả và chị hai thôi học ở nhà. Mẹ kiên quyết phản đối, thậm chí còn nổi cáu với cha: "Em không biết chữ đã đành, tuyệt đối không được để cho các con cũng mù chữ như em".
Bài học sâu sắc từ người mẹ
Tôi nhớ, từ nhỏ đến lớn, mẹ chỉ đánh tôi có một lần. Đó là vào năm tôi học lớp 3. Khi đó, trước cổng trường tôi học, có một ông lão bán các con thú làm bằng thạch cao rất đẹp, giá cũng không đắt lắm. Thấy các bạn tranh nhau mua mà tôi thèm lắm. Tôi đã để mắt đến một con ngựa thạch cao ứng với năm tuổi của tôi. Thế nhưng, tôi không có lấy một xu dính túi.
Tôi nghĩ, nếu xin tiền mẹ mua con ngựa ấy, thế nào mẹ cũng không bằng lòng. Vậy là, nhân lúc ông lão bận bán hàng không để ý , tôi liền thò tay lấy cắp con ngựa .
Trên đường về, tôi gặp mẹ. Thấy trên tay tôi là một con ngựa bằng thạch cao, mẹ liền hỏi ở đâu tôi có. Tôi sợ hãi, ấp úng trả lời: "Dạ...dạ... con mua ạ!"
Chỉ cần nhìn qua, mẹ đã biết ngay tôi nói dối. Mẹ vừa đánh mạnh vào mông tôi, vừa bảo: "Con phải nói thật, phải thật thà. Ngay cả đứa trẻ ở lớp mẫu giáo còn biết là không nên nói dối, tại sao con lại quên điều ấy, hả?".
Mẹ đem đến cho con những bài học đầu đời
Sau khi nghe tôi khai sự thật, mẹ liền dắt tôi đến trước mặt ông lão bán hàng để trả lại con ngựa. Ông không trách tôi, còn tặng luôn cho tôi con ngựa ấy.
Khi về nhà, mẹ bảo: "Nhà ta nghèo nhưng ý chí không được nghèo. Thứ gì của người khác, dù có thích đến mấy, con cũng không được lấy. Con cần phải sống trung thực, không được làm điều gì trái với lương tâm".
Những lời dạy bảo ân cần của mẹ, cho đến nay, vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi, khiến tôi kính nể và khâm phục vô cùng.
Người mẹ chẳng khác nào cô giáo, dạy cho những đứa con của mình những bài học đầu đời. Một hành động, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của mẹ đều có ảnh hưởng rất sâu sắc đến nhân cách của mỗi người con. Và tôi tin rằng các bà mẹ đều có cùng một cảm nhận như vậy.
ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét